Chứng khoán tuần: Khả năng tạo đỉnh dưới góc nhìn kỹ thuật
Ngày nhập : 20/11/2017 16:33
Sau chuỗi phiên tăng vượt qua rất nhiều các ngưỡng kháng cự, thị trường đã băng băng tiến về phía trước và VN-Index chạm gần tới ngưỡng 900 điểm, VN30Index cũng tiến sát ngưỡng 900 điểm.
 
 
Phân tích kỹ thuật không tuyệt đối đúng

Phiên giao dịch cuối tuần đã ngắt đà tăng mạnh hiếm có của thị trường. VN-Index đạt đỉnh cao nhất 898,11 điểm, VN30Index đạt đỉnh cao nhất 897,39 điểm. Diễn biến của phiên cuối tuần có nhiều nét biểu hiện của một phiên đạt đỉnh. Tuy nhiên thị trường đã nhiều lần vượt qua ngưỡng kháng cự và lần này thị trường cũng có thể lặp lại điều đó.

Các phân tích kỹ thuật về khả năng đạt đỉnh của thị trường gần đây tỏ ra không có hiệu quả, khi thị trường bứt phá qua rất nhiều ngưỡng kháng cự có khả năng là đỉnh. Điều này tạo cảm giác các phân tích kỹ thuật không sử dụng được.

Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất trong phân tích kỹ thuật không phải là đưa ra một “ngưỡng đỉnh, đáy” cho thị trường. Điều này là sai về phương pháp luận, vì thị trường diễn biến một cách chủ động, các phương pháp phân tích kỹ thuật là bị động, hay chạy theo diễn biến của thị trường chứ không phải đi trước thị trường. Phân tích kỹ thuật là dựa vào diễn biến trong quá khứ, nhưng hiện tại và tương lai lại có thể bao gồm cả những biến số mới mà quá khứ không có. Điển hình thời gian qua là các giao dịch đột biến của VNM và VIC, hoàn toàn chưa từng diễn biến tương tự trong quá khứ.

Mặt khác, tất cả các phương pháp phân tích kỹ thuật nói riêng và các phương pháp dự báo thị trường nói chung đều có sai số. Nói cách khác, không một phương pháp phân tích nào đúng 100%. Điều đó có nghĩa là các kết quả đưa ra từ bất kỳ phương pháp phân tích nào chỉ có thể dự đoán một xác suất xảy ra cao hơn bình thường mà thôi. Thị trường có thể diễn biến nằm trong phần trăm rất nhỏ xác suất không xảy ra.

Do đó, nếu hiểu rằng phân tích kỹ thuật không tuyệt đối đúng thì sẽ không bị bất ngờ trước các diễn biến của thị trường. Phân tích kỹ thuật chỉ tạo ra một vùng đỉnh/đáy của thị trường có tiềm năng trở thành hiện thực với xác suất cao hơn các dự báo chủ quan khác. Phần còn lại, để khắc phục các rủi ro sai số của phân tích kỹ thuật, cần bổ sung các phương pháp quản lý rủi ro, quản lý tiền tệ hợp lý.

Thị trường đang ở đâu dưới góc nhìn kỹ thuật ?

VN-Index cuối tuần qua đạt đỉnh cao nhất 898,11 điểm và VN30Index đạt 897,39 điểm rồi thoái lui và đóng cửa giảm. Diễn biến như vậy thường có khả năng thị trường chịu áp lực bán đủ mạnh để không thể tăng thêm được trong ngày hôm đó. Diễn biến này không hoàn toàn hàm ý rằng thị trường đã đạt đỉnh và sẽ tụt giảm, nhưng có khả năng cao thị trường đang gặp một mức kháng cự nào đó đủ mạnh.

Do thị trường xuất hiện thêm một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VRE có khả năng tác động quá mạnh, việc phân tích kỹ thuật với chỉ số VN-Index trở nên kém chính xác hơn do bị nhiễu. Việc đánh giá thị trường qua chỉ số VN30Index sẽ đem lại cái nhìn ổn định hơn và có xác suất đúng cao hơn.

VN30Index kể từ ngày 13/12/2016 đến nay có xác suất rất cao là nằm trong một sóng tăng trung hạn với kết cấu 5 sóng theo lý thuyết Elliott (nếu sử dụng đồ thị dựa trên khung thời gian dài hơn (tuần, tháng) thì thị trường hiện tại nằm trong một kết cấu khác). Nếu giả định này là đúng, VN30Index đang ở trong sóng thứ 5 (sóng tăng) như trên hình vẽ.
 
 
Theo lý thuyết sóng này, có sự hài hòa về tỷ lệ giữa các sóng tăng/giảm. Các tỷ lệ này cũng không chính xác một cách tuyệt đối, mà chỉ được kiểm nghiệm qua thời gian hàng trăm năm, dựa trên một dữ liệu kiểm nghiệm đủ dài để có một xác suất đúng tương đối cao. Cũng có rất nhiều lần các lý thuyết sóng Elliott thất bại, nhưng số lần đúng cao hơn số lần sai.

Với chỉ số VN30Index hiện tại, theo các phương pháp đo tìm vùng giá hội tụ (như hình vẽ), có thể so sánh độ lớn của các sóng 1 và 3 để tìm kiếm đỉnh cho sóng 5, hoặc so sánh độ lớn của các sóng tăng với nhau, trong trường hợp này là so sánh sóng 3 và sóng 5 (như hình vẽ).

Ta có được 100% độ lớn của sóng tăng 1 và 3 ở mức 889 điểm và 161,8% độ lớn của sóng 3 ở 896 điểm. Như vậy theo lý thuyết thì sóng 5 hiện tại là sóng tăng mở rộng (lớn hơn tất cả các sóng tăng trước). Vùng kháng cự được xác định theo phương pháp này nằm trong khoảng 889-896 điểm.

Sóng 5 hiện tại có thể chia thành 5 sóng nhỏ hơn (hình dưới). Độ lớn của sóng (5) nhỏ có đỉnh khi so sánh với độ lớn của sóng (1) nhỏ được xác định bằng 261,8%, tương ứng khoảng 895 điểm.
 
 
Ở thang bậc nhỏ hơn nữa, trên đồ thị 30 phút, sóng (5) nhỏ nói trên lại có thể chia thành 5 sóng khác nhỏ hơn nữa (hình dưới). Cũng áp dụng phương pháp đo tỷ lệ trên, đỉnh sóng 5 nhỏ có thể nằm trong khoảng 61,8% độ lớn của sóng (1)+(3) ở 891 điểm và 100% độ lớn của sóng (1) ở 887 điểm.
 
 
Tổng hợp của cả ba phương pháp đo, chỉ số VN30Index có một vùng kháng cự tạo đỉnh sóng 5 trong khoảng 887 điểm đến 896 điểm, vùng điểm số trong khoảng thấp nhất tới cao nhất của ba phương pháp nói trên. Một vùng điểm số hội tụ thường có sức mạnh lớn hơn kết quả của một phương pháp đơn lẻ.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, VN30-Index lên cao nhất 897,39 điểm và đóng cửa ở 887,41 điểm. Như vậy chỉ số này đang tiến vào cùng kháng cự được xác định nói trên. Thị trường đã cho thấy những khó khăn nhất định khi đi vào vùng kháng cự và đã có một phiên sụt giảm.

Liệu VN30Index đã tạo đỉnh ở mức cao nhất 897,39 điểm vào ngày cuối tuần? Đó là câu hỏi luôn được đặt ra khi các phân tích kỹ thuật thể hiện tác dụng đối với thị trường.

Trở lại với logic của bất kỳ phương pháp phân tích nào, là kết quả không khẳng định tuyệt đối chắc chắn bất kỳ điều gì, mà chỉ đem lại một lợi thế về xác suất. Ví dụ như phương pháp phân tích ở trên không có nghĩa rằng VN30Index sẽ phải đạt đỉnh trong khoảng 887-896 điểm, mà chỉ nói lên rằng khu vực 887-896 điểm có xác suất cao là một vùng kháng cự mạnh đối với VN30-Index. Xác suất đúng sẽ cao hơn nếu phối hợp với việc phân tích các chỉ báo khác, vì dụ tình trạng quá mua (overbought).

Nếu VN30Index đạt đỉnh tại vùng điểm số này thì kết quả của phương pháp phân tích trên được xác nhận là đúng. Ngược lại, nếu VN30Index vượt qua vùng kháng cự nói trên thì sẽ tiến đến các vùng kháng cự cao hơn. Câu chuyện đúng sai của các phương pháp phân tích phải do thị trường xác nhận. Chẳng hạn các vùng điểm số ở 820 điểm và 840 điểm cũng có tiềm năng là một vùng kháng cự tạo đỉnh theo phương pháp đo nói trên, nhưng đã bị thị trường phủ định.

Một biến số mới cũng phải ghi nhận là biến động giá của các cổ phiếu lớn có khả năng “vẽ đồ thị” đối với VN30Index. Đó là VIC, VNM, ROS, SAB. Các cổ phiếu này có thể tạo ra sai số lớn và cũng là biến số không thể loại trừ được./.

(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh