Chứng khoán tuần: Lòng tham lại xuất hiện ?
Ngày nhập : 21/05/2018 15:37
Những biến động mạnh bất ngờ trong tuần qua cuối cùng đã không dẫn tới sự đổ vỡ nào lớn. Một lần nữa thị trường thể hiện lòng tham nhất định ở quanh mốc 1.000 điểm của VN-Index
 
 
Đây là lần thứ 3 chỉ số VN-Index tụt giảm xuống  sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và cũng là lần thứ ba thị trường xuất hiện lực cầu bắt đáy để đẩy giá tăng trở lại. Nếu như lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này (ngày 3/5) thì có thể chỉ là nhu cầu dò đáy thông thường vì giá giảm quá nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên đến lần thứ ba lặp lại cùng một hiện tượng thì có thể là dấu hiệu của lòng tham.

Mặc dù thị trường lao dốc cực nhanh và cực mạnh trong tháng 4, nhưng không phải tất cả các nhà đầu tư đều mắc kẹt. Lấy ví dụ dễ thấy nhất là khá nhiều công ty chứng khoán đã phát đi cảnh báo thị trường quá nóng từ cuối tháng 3 và có nhiều danh mục đầu tư trung dài hạn đã được chốt lời. Vì vậy vẫn có một nguồn tiền lớn được bảo toàn qua nhịp sụt giảm. Nhu cầu cơ bản của những đồng vốn được bảo toàn đó là tái đầu tư.

Thanh khoản trên thị trường hàng ngày sụt giảm cũng là biểu hiện của sự thiếu hụt dòng vốn quay lại mua. Lấy ví dụ, thời điểm hai tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi ngày là 6.500 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng 5 đến nay, giá trị khớp lệnh bình quân chỉ còn 4.300 tỷ đồng/ngày. Mỗi đồng vốn giao dịch hàng ngày là cân bằng giữa mua vào và bán ra. Khi có người bỏ 1 đồng vào mua, tức là cũng có 1 đồng được rút khỏi thị trường. Do vậy, mức chênh lệch thanh khoản chính là lượng vốn đã rút ra mà chưa quay lại thị trường và được bảo toàn.

Ở khía cạnh tiêu cực, thanh khoản giảm chính là sự thiếu hụt sức mua và phản ánh tâm lý lo ngại, thận trọng của người cầm tiền. Ở khía cạnh tích cực, thị trường vẫn đang có một lượng vốn tiềm năng chưa được sử dụng. Dòng vốn này trước sau cũng sẽ gia nhập vào thị trường, nếu nhìn thấy cơ hội tốt và sự lo ngại giảm đi.

Một thống kê khá thú vị là chỉ riêng với nhóm cổ phiếu thuộc VN30, chỉ có 10/30 cổ phiếu mà mức giá thấp nhất trong ngày cuối tuần xấp xỉ với giá thấp nhất của chu kỳ điều chỉnh hiện tại. Cổ phiếu duy nhất thủng đáy là VNM. Như vậy tuy VN-Index điều chỉnh về đáy cũ nhưng các cổ phiếu cũng có sức đề kháng tốt hơn. Đa số cổ phiếu blue-chips đã phục hồi tốt hơn so với VN-Index. Phiên phục hồi ở ngày cuối tuần đã không bị cổ phiếu VHM làm biến dạng vì mã này không có giao dịch.

Vấn đề chính còn lại là lòng tham đã thật sự đủ lớn để đẩy thanh khoản gia tăng hay chưa. Liên tục trong hai tuần đầu tháng 5 này, cứ mỗi khi thị trường giảm xuống thì thanh khoản mới tăng, phản ánh lực mua chỉ ưu tiên giao dịch khi giá thấp. Ngược lại, khi thị trường tăng thanh khoản lại giảm xuống. Lòng tham như vậy vẫn chưa thật sự lớn nên thanh khoản không cao.
 
 
 
Một yếu tố nữa là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn gây bất lợi. Phiên cuối tuần, khối ngoại lập kỷ lục về giao dịch mua ròng trị giá 28.454 tỷ đồng nhưng chủ yếu là giao dịch thỏa thuận VHM. Khối này vẫn bán ròng trên sàn khớp lệnh. Tính chung cả tuần, giá trị bán ròng khớp lệnh lên tới 763,8 tỷ đồng.

Trong 6 tuần liên tục gần đây, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn rất lớn qua sàn khớp lệnh. Tổng giá trị bán ròng khớp lệnh trên 6.700 tỷ đồng. Có quan điểm cho rằng khối ngoại bán các cổ phiếu khác để tập trung tiền mua VHM. Quả thực VHM cuối tuần được mua rất lớn. Nếu giá thuyết này là đúng thì khối ngoại sẽ phải giảm bán trong những phiên tới. Nếu khối này vẫn tiếp tục bán với cường độ mạnh như vậy thì sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác.

Thành công lớn nhất của phiên cuối tuần qua chính là việc đảo chiều thành công khi thị trường rơi về gần mức đáy cũ 1.000 điểm. Phiên giao dịch đó phát đi tín hiệu quan trọng nhất là lực mua sẽ xuất hiện khi VN-Index lùi xuống sát mốc này, tức là khả năng chấp nhận của dòng tiền bên ngoài được xác định quanh ngưỡng nhất định. Cơ hội phục hồi vẫn còn rất mong manh, nhưng cơ hội duy trì mức đáy 1.000 điểm vẫn được củng cố.
 
 
(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh