Chứng khoán tuần: Vì sao gió bỗng đổi chiều?
Ngày nhập : 16/04/2018 15:31
Diễn biến thị trường tuần qua quá bất ngờ khiến niềm vui trở nên ngắn ngủi. Với 1 phiên duy nhất vượt 1.200 điểm của VN-Index, nhà đầu tư chưa kịp lạc quan hơn thì đã chứng kiến đà mất điểm nghiêm trọng những ngày cuối tuần.
 

Có khá nhiều thông tin được viện dẫn để lý giải cho diễn biến giảm bất thường của 3 phiên cuối tuần qua. Đó là những lo ngại về căng thẳng địa chính trị gia tăng và nguy cơ xung đột lớn; tin đồn về khả năng quay lại kế hoạch giảm tỷ lệ đòn bẩy của cơ quan quản lý.

Nhà đầu tư thường tìm kiếm các lý do bên ngoài để lý giải thích biến động thị trường ngoài dự đoán. Tuy nhiên có một điều thực tế không được quan tâm nhiều, đó là có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang tăng giá rất mạnh đến mức không còn lý giải được bằng các yếu tố hỗ trợ như kết quả kinh doanh. Trước khi có các căng thẳng địa chính trị hay lo ngại giảm margin, thị trường đã đánh giá thấp nguy cơ từ nhóm cổ phiếu trụ tăng quá mạnh.

Kể từ lần đầu tiên VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.170 điểm cách đây 17 phiên, thị trường đã tăng lên 1.200 điểm, nhưng số cổ phiếu tăng trưởng lại rất kém.

Cụ thể, trong thời gian này, chỉ có 36% tổng số cổ phiếu có giao dịch là tăng giá theo thị trường. Tuy vậy chỉ chưa tới 19% số cổ phiếu đạt mức tăng trưởng vượt 5% trong 17 phiên, một mức lợi nhuận không có gì là hấp dẫn.

Mặt khác, nếu tính từ đáy tháng 2 của thị trường đến nay, vẫn có trên 37% cổ phiếu của thị trường đạt lợi nhuận quá 5%, khoảng 18% số cổ phiếu đạt lợi nhuận trên 15%.

Hai thống kê có phần trái ngược này thể hiện rất rõ một điều: Thị trường đã có đợt tăng trưởng cực tốt từ giữa tháng 2. Nhưng đến khoảng nửa tháng gần đây bắt đầu chững lại, bất chấp chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.170 điểm. Tuy có chững lại nhưng tỷ suất lợi nhuận của thị trường vẫn còn rất tốt: Trong vòng 40 phiên (từ đáy tháng 2/2018) mà lợi nhuận vẫn trên 15% là rất tích cực trong ngắn hạn.

Cổ phiếu đã tăng mạnh từ trước thì tất yếu phải giảm tốc, khi trải qua một quá trình khá dài. Khi thị trường tăng trưởng mạnh trong tháng 2 và tháng 3, yếu tố được dùng lý giải là kỳ vọng lớn vào kết quả kinh doanh quý 1. Khi đó còn chưa có mối lo nào về chiến tranh thương mại, hay xung đột vũ trang. Cổ phiếu đã phản ánh trước kỳ vọng kết quả kinh doanh thì càng đến gần ngày xuất hiện báo cáo kinh doanh, động lực tăng trưởng càng giảm đi vì nhà đầu tư mua từ sớm bắt đầu chốt lời.

Khi đó, các thông tin bất lợi về căng thẳng thương mại và chiến tranh mới xuất hiện. Những thông tin này đúng là có ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh hơn quá trình chốt lời đang có sẵn. Nói cách khác, thị trường quay đầu giảm nhanh không phải vì nhà đầu tư lo ngại đỉnh 1.200 điểm, mà là một tâm lý kém ổn định ở vùng giá sau một quá trình tăng mạnh trước đó.

Thống kê riêng trong tuần qua thì chỉ có 24% số cổ phiếu toàn thị trường là vẫn có mức tăng giá so với tuần trước đó; trên 66% là giảm giá, còn lại đứng im. Tuần qua là một tuần kém thuận lợi, nhà đầu tư bán ra nhiều hơn ngay trước thềm thông tin kết quả kinh doanh. Không hẳn nhà đầu tư từ bỏ kỳ vọng vào một con số lợi nhuận doanh nghiệp tốt, mà những kỳ vọng đó đã đủ đối với giá cổ phiếu.

Một yếu tố nữa tạo cảm giác “gió đổi chiều” quá nhanh chính là thói quen nhìn vào chỉ số. VN-Index giảm gần 41 điểm chỉ trong vòng 3 phiên cuối tuần là rất mạnh. Chỉ trong 3 phiên cuối tuần, hàng loạt cổ phiếu lớn sụt giảm rất mạnh như HSG giảm 13,38%, ROS giảm 12,87%, MBB giảm 10,05%, CTG giảm 9,28%, PLX giảm 8,27%, VCB giảm 7,99%, SSI giảm 6,77%, VIC giảm 5,41%, BID giảm 5,41%, MSN giảm 4,21%...
 
 
Những cổ phiếu lớn này vốn đã có đà tăng mạnh trong quý 1 và mức điều chỉnh gấp gáp cuối tuần này chưa phải là nhiều. Mức giảm có phần sốc là do chỉ nhìn vào ngắn hạn vài phiên gần đây. Còn nếu nhìn từ đầu năm 2018 hay từ đáy tháng 2 vừa rồi, đa phần cổ phiếu blue-chips vẫn có mức tăng giá rất cao.

Khi thị trường tăng trưởng điểm số mạnh mẽ, nhà đầu tư hồ hởi nhìn các blue-chips lên giá chóng mặt. Đây chính là nguy cơ mang tính kỹ thuật rất lớn, vì khi nhóm này điều chỉnh, điểm số sẽ giảm rất nhanh. Lấy ví dụ như VIC đã tăng gần 75% kể từ đầu năm, VCB tăng 36%, CTG tăng 56%, BID tăng 75%, MBB tăng 48%, GAS tăng 40%, MSN tăng 50%, VJC tăng 56%, VPB tăng 69%, BVH tăng 65%, SSI tăng 54%...

Với mức tăng như vậy, liệu đã đủ phản ánh kết quả kinh doanh quý 1/2018 hay chưa? Với mức tăng như vậy thì điều chỉnh vài phần trăm trong tuần qua có phải là lớn ?

Thị trường luôn bắt đầu từ những kỳ vọng mơ hồ, sau đó lan ra thành một xu hướng và càng ngày càng lôi khéo nhiều người tham gia, thổi phồng hơn kỳ vọng mơ hồ ban đầu. Những người đến sau luôn là những người bị thuyết phục muộn nhất, nhưng lại là những người tin tưởng nhất vào kỳ vọng quá mức đó. Gió đổi chiều khi các nhà đầu tư thông minh đến sớm nhường lại chỗ cho người đến muộn.
 
 
(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh