Điều hành chính sách tiền tệ: Hoàn thành đa mục tiêu
Ngày nhập : 06/01/2021 16:41
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. Với những thành tựu đó, ngành Ngân hàng vững vàng bước sang năm mới với quyết tâm hoàn thành mục tiêu và kế hoạch năm 2021.
 

Nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đã gây áp lực không nhỏ đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, việc điều hành lãi suất, tỷ giá của NHNN. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT), bám sát chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, ưu tiên mục tiêu ổn định, củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ duy trì và phục hồi nền kinh tế trong và sau dịch.

Theo đó, ngay khi dịch Covid19 xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã ban hành một loạt văn bản tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm khoảng 1,5-2%/năm để tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trần lãi suất huy động ngắn hạn và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được cắt giảm tương ứng. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; miễn, giảm phí các dịch vụ thanh toán.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, tất cả các TCTD đều vào cuộc mạnh mẽ, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng; Miễn, giảm các loại phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng bị chững lại, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của DN và người dân giảm sút khiến cầu tín dụng giảm. Trước tình hình đó, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng mức tăng trưởng tín dụng của nhiều TCTD có khả năng mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế…; tích cực giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên.

Nhờ kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, tín dụng từng bước được cải thiện và đến ngày 29/12/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,41% so với cuối năm 2019. Cơ cấu tín dụng được cải thiện tích cực, tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Những giải pháp quyết liệt và kịp thời của ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng để nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 2,91% trong năm qua, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Đảm bảo an toàn hệ thống

Thiên tai, dịch bệnh, cộng thêm nhiều biến động chính trị khác khiến cho nền kinh tế thế giới năm 2020 có rất nhiều bất định, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, điều hành tỷ giá và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô càng trở nên khó khăn.

Song với sự kiên định trong thực hiện mục tiêu và những giải pháp kịp thời, lạm phát bình quân năm 2020 được kiểm soát ở mức 3,23%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, thị trường ngoại hôi, tỷ giá cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt. Đặc biệt, mặc dù giá vàng thế giới liên tục biến động trong năm qua, nhưng với việc NHNN chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy định theo Nghị định 24/NĐ-CP của chính phủ, thị trường vàng trong nước vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng đầu cơ, làm giá.

Hy sinh lợi nhuận, tiết giảm chi phí để hỗ trợ khách hàng nhưng ngành Ngân hàng không quên nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, trước tình hình phức tạp của dịch Covid19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020 để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới…Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%; tuy nhiên do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên từ tháng 8/2020 và ở mức 2,09% vào cuối tháng 10/2020.

Bên cạnh đó, các TCTD đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng chống chọi với bất định của thị trường. Nhiều NHTM hoàn thành sớm mục tiêu áp dụng các chuẩn mực theo Basel II, nâng vốn điều lệ, tăng trích lập dự phòng rủi ro…

Một thành tựu lớn khác của ngành Ngân hàng trong năm 2020 là đẩy mạnh TTKDTM. Đến cuối tháng 10/2020, so với cùng kỳ năm 2019, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị; số lượng giao dịch thanh toán qua Internet tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, tăng 7,3%... TCTD chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/học máy, Blockchain, eKYC… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng.

Năm 2021 được dự báo là vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Vì vậy toàn ngành Ngân hàng sẽ phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. NHNN chủ trương kiên định mục tiêu điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả để hỗ trợ quá trình phục hồisản xuất, kinh doanh của DN phù hợp với mục tiêu ổn định lạm phát (bình quân khoảng 4%).

Năm 2021, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; tín dụng tăng khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Toàn Ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; Tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, DN vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu: Ngay sau khi nghỉ Tết, các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm...

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh