Điều hành linh hoạt, tăng cường hỗ trợ nền kinh tế
Ngày nhập : 23/06/2021 16:08
Đây là quan điểm của NHNN được Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định tại Họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng điều hành 6 tháng cuối năm được NHNN tổ chức vào ngày 21/6/2021.

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối theo đúng định hướng điều hành của Chính phủ, đóng góp tích cực vào kết quả chung của nền kinh tế.

Thông tin cụ thể về kết quả điều hành CSTT, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, những tháng đầu năm NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD. Tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

Tỷ giá cũng tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt với cơ chế tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước cũng như cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Nhờ đó thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đối với tín dụng, theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ 2020 tăng 2,26%). Đặc biệt, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD, qua đó giúp các TCTD có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Đến 31/5/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng…

Một điểm đáng chú ý là đại dịch Covid-19 đã như một liều thuốc kích thích thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ, đến cuối tháng 4/2021, cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị.

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô

Chia sẻ với báo giới về định hướng điều hành của NHNN thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Theo đó, lãi suất tiếp tục được điều hành phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT.

NHNN cũng sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, tập trung đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; phối hợp với bộ ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng Covid-19; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; chỉ đạo TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen...

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, tập trung triển khai Nghị định mới về TTKDTM và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án. Phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai thí điểm Mobile Money; triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng…

Phó Thống đốc cũng lưu ý, NHNN sẽ theo dõi sát sao, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn. Bởi theo Phó Thống đốc, tái cơ cấu là quá trình, bản chất là điều hành thực hiện mục tiêu triển khai các chính sách phát triển lành mạnh, đảm bảo năng lực về mặt tài chính, năng lực quản trị, chất lượng hoạt động, quy mô vốn và tài chính. “Việc cơ cấu lại các TCTD được gắn với chiến lược phát triển riêng của ngành Ngân hàng và sự phát triển chung của nền kinh tế. Thời gian tới, khi được chính thức phê duyệt nội dung đề án tái cơ cấu, chúng tôi sẽ công bố với báo chí”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh