Định vị dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán 2020
Ngày nhập : 10/01/2020 09:54
 
Việt Nam nổi bật trong các thị trường mới nổi về khả năng thu hút vốn ngoại

Năm 2019, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài duy trì được vị thế mua ròng, giá trị khoảng 6.620 tỷ đồng.

Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại, cả chiều mua và bán, đạt hơn 318.000 tỷ đồng, chiếm gần 16% thanh khoản toàn thị trường.

Khối ngoại mua ròng trong 2 năm qua, nhưng phần lớn thông qua giao dịch thoả thuận, còn giao dịch khớp lệnh ghi nhận bán ròng, ảnh hưởng trực tiếp lên chỉ số VN-Index.

Dù vậy, làn sóng bán ròng thông qua khớp lệnh của khối ngoại trên sàn chững lại khi mức độ bán ròng giảm mạnh từ hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2018 xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong 2019.

Thậm chí, khối này mua ròng gần 3.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 và chỉ chuyển sang bán ròng khi diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Trên thực tế, từ cuối năm 2018, biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam bị chi phối đáng kể bởi bất ổn bên ngoài.

Diễn biến chiến tranh thương mại leo thang không đơn thuần tác động về mặt tâm lý, mà có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền ngoại cẩn trọng hơn với các thị trường cận biên.

Kỳ vọng, hoạt động của khối ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam sẽ tích cực hơn do các quỹ ETF chủ chốt có khả năng tiếp tục thu hút tiền từ Thái Lan và Hàn Quốc, cổ phiếu Việt Nam có khả năng được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 khi cổ phiếu Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market, thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu cải thiện và kỳ vọng các quỹ ETF mới dựa trên chỉ số cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại (tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại) sắp được thành lập.

Ngoài ra, nếu hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sôi động trở lại, thị trường có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.

Kuwait gần như chắc chắn sẽ được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market Index trong tháng 5/2020.

Theo tính toán của MSCI, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index dự kiến tăng từ khoảng 12,3% hiện nay lên 30%.

Khi đó, Quỹ Ishare MSCI Frontier 100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỷ đồng.

Không chỉ thế, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI cận biên cũng sẽ được nâng lên đáng kể. Hiện tại, chưa có quỹ ETF nào mô phỏng bộ chỉ số này.

Câu chuyện nâng hạng thị trường khó có thể thành hiện thực trong năm nay, nhưng Việt Nam là thị trường được đánh giá hưởng lợi lớn nhất từ tỷ trọng mà Kuwait để lại.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động 200 - 300 triệu USD trái phiếu để đầu tư mở rộng (như lĩnh vực hàng không), các ngân hàng cũng phải tính việc tăng vốn thông qua kênh trái phiếu nhằm tăng trưởng vốn dài hạn, vì kênh tăng vốn qua cổ phiếu khó hơn.

Mặt khác, ghi nhận thông tin trên thị trường, các tập đoàn lớn trong nước dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu với quy mô lớn bằng USD, kỳ vọng thu hút vốn cả trong và ngoài nước.

Về mặt định giá, năm 2019, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 960,99 điểm, với P/E ở mức 15,7 lần, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Ở mức P/E này tại thời điểm năm 2017, thị trường đã tạo đà tăng tích cực trên thị trường chứng khoán vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

So sánh P/E với các nước trong khu vực như Indonesia 20 lần, Thái Lan và Malaysia 18 lần, Philippines 17 lần, thì P/E thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn.

Một thông tin đáng chú ý khác, các con số thống kê vốn ngoại nêu trên đơn thuần là trên sàn chứng khoán tập trung, còn dòng vốn ngoại chảy ngoài sàn ở các công ty đại chúng cũng rất nhiều.

Theo chia sẻ của giám đốc ngân hàng đầu tư của một công ty chứng khoán (xin được giấu tên), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào Việt Nam rất lớn, họ có nhu cầu mua lại cổ phần ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Mới đây, công ty đã hoàn thành tư vấn cho một doanh nghiệp nhựa để đối tác ngoại vào mua toàn phần, giá trị thương vụ khoảng 180 tỷ đồng. Dự báo, dòng vốn ngoại, nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sẽ chảy vào thị trường Việt Nam trong năm nay cũng như các năm tới…

Trông chờ thu hút vốn ngoại qua ETF

Khi câu chuyện về room chưa được cởi mở, hàng hoá trên thị trường chưa phong phú, đa dạng vì tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm, NVDR tiếp tục chờ đợi…, thì quỹ ETF đang trở thành “cứu cánh” trong thu hút vốn ngoại.

Theo Morning Star Direct, tháng 8/2019, ngành đầu tư đạt cột mốc lịch sử khi quy mô tài sản trong các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF dựa trên chỉ số của Mỹ lần đầu tiên vượt qua tài sản trong các quỹ đầu tư cổ phiếu năng động.

Nếu sự dịch chuyển này tiếp tục diễn ra sẽ có tác động lớn đối với thị trường tài chính và các nhà đầu tư thông thường ở khắp mọi nơi, bao gồm cả thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mức phí rẻ hơn là nhân tố chính. Các quỹ đầu tư thụ động của Mỹ có mức phí trung bình 10 xu/năm/100 USD tài sản, so với 70 xu cho các quỹ chủ động.

Sự gia tăng của quỹ thụ động thể hiện sự gia tăng của các sản phẩm có mức phí thấp. Với Việt Nam, dòng vốn trong và ngoài nước của quỹ thụ động có thể đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn thông qua các quỹ ETF.

Trong 2 năm qua, E1VFVN30 và VNM US ETF là hai quỹ ETF hút tiền chính của thị trường. Khả năng cao, E1VFVN30 ETF sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư chủ chốt là Thái Lan và Hàn Quốc, do lãi suất ở hai quốc gia này đang ở mức thấp, sau khi ngân hàng trung ương hai nước thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất trong năm qua.

Diễn biến của các chỉ số chính cho thấy, VN-Index tăng 8,3% đã mang lại lợi nhuận cao hơn trong năm qua so với chỉ số KOSPI của Hàn Quốc (+6,3%), hay chỉ số SETI của Thái Lan (+0,6%)…  

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh