Khí thế mới, vận hội mới
Ngày nhập : 14/02/2022 17:33
Những tín hiệu tích cực đã, đang tạo niềm hứng khởi, lạc quan cho người dân, doanh nghiệp bước vào năm mới với khí thế mới, vận hội mới.

Nhân dịp đầu xuân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Ngân hàng. Thủ tướng chia sẻ, trong năm 2021, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; và sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã thực hiện "đa mục tiêu", đất nước ta đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong những thành tựu đó có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành Ngân hàng.


Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và chúc Tết ngành Ngân hàng

Ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng trong thành quả chung của đất nước, Thủ tướng cũng yêu cầu, thời gian tới ngành Ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ hoạt động thông suốt của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là phục vụ hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm. Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước. Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực...

Mức tăng trưởng tín dụng tháng 1/2022 mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Việc tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ ngay tháng đầu năm là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự hứng khởi và kỳ vọng lớn vào khả năng hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế.

Năm nay chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4%. Từ góc nhìn của mình các tổ chức tài chính quốc tế cũng có nhận định rất lạc quan: Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023... Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings vừa công bố báo cáo nhận định kinh tế Việt Nam với nhận định GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023...

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi. Nhìn lại năm 2021: tín dụng nền kinh tế đã tăng trưởng 13,53% so với cuối năm 2020. Trong đó, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 8,68%; ngành công nghiệp và xây dựng 13,7%; ngành thương mại và dịch vụ 14,1%; nông nghiệp, nông thôn 13,5%; tín dụng DNNVV tăng 11,98%; xuất khẩu 13,32%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ ước tăng 21,52%; tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước tăng 19,2%. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được TCTD cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho trên 1,32 triệu khách hàng.

Còn với năm nay, SSI Research dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14% và mặt bằng lãi suất sẽ chạm đáy. Những con số trên cho thấy, năm qua dù gặp rất nhiều khó khăn dòng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên.

ThS. Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, năm 2022 NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. NHNN sẽ đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp các bộ, ngành trong xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023…

Những tín hiệu tích cực đã, đang tạo niềm hứng khởi, lạc quan cho người dân, doanh nghiệp bước vào năm mới với khí thế mới, vận hội mới.

                                                                                               (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh