Nghệ thuật mô phỏng
Ngày nhập : 26/10/2017 15:34
Việc các quỹ đầu tư lấy một chỉ số chứng khoán để mô phỏng danh mục của mình là điều khá phổ biến. Nhưng mô phỏng như thế nào cho hiệu quả lại là cả một nghệ thuật.

Khó mô phỏng toàn phần

Mới đây, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ lớn cho biết, một quỹ do đơn vị này quản lý sẽ mô phỏng một chỉ số chứng khoán phổ biến. Tuy nhiên sẽ không giống 100% mà chỉ dừng lại ở 95%. Tại sao lại còn chừa ra 5% khác biệt ở đây ?
 
 
Việc các quỹ khi công bố chiến lược đầu tư là mô phỏng một chỉ số nào đó cũng chỉ mang tính chất định hướng ban đầu

Theo chia sẻ của vị tổng giám đốc này thì nguyên nhân là vì trong chỉ số kia có một số cổ phiếu mâu thuẫn với tiêu chí đầu tư của quỹ, vì vậy sẽ phải tìm kiếm những cổ phiếu khác để thay thế.

Trong khi đó, giám đốc đầu tư của một quỹ khá có tiếng cho biết, ban đầu quỹ cũng mô phỏng chỉ số dựa trên 30 cổ phiếu nhưng trong thực tế, chỉ được phép mua 29 cổ phiếu và về sau chỉ số này cũng biến động không mấy hiệu quả nên cuối cùng phải mở rộng tiêu chí đầu tư thay vì mô phỏng một cách cứng nhắc.

Và điều dễ thấy trong nhiều năm qua là hoạt động của các quỹ ETF cũng theo xu hướng mô phỏng các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên các quỹ này cũng chỉ mô phỏng một phần và thường xuyên chọn lựa cổ phiếu liên quan theo tiêu chí của mình về vốn hoá, thanh khoản…

Không thể mô phỏng toàn phần mà chỉ là một phần hoặc phần lớn, vì vậy, việc lựa chọn những cổ phiếu thay thế cũng có thể xem như tiêu chí quan trọng để tạo nên hấp lực cho một quỹ đầu tư. Một thí dụ đơn giản, nếu quỹ mô phỏng theo VN-Index, trong trường hợp VN-Index tăng 10%, nếu quỹ cũng tăng theo 10% có thể xem là khả quan.

Nhưng trong thực tế nếu không mô phỏng 100% thì có hai khả năng xảy ra, đó là tăng trưởng NAV (giá trị tài sản ròng) sẽ tăng thấp hơn, hoặc cao hơn so với tỷ lệ chung của thị trường. Vì vậy, áp lực lựa chọn cổ phiếu như thế nào cho hiệu quả dành cho những người quản lý quỹ là rất lớn.

Thế khó

Mới đây, giám đốc đầu tư của một quỹ nội địa chia sẻ, diễn biến của thị trường trong khoảng một tháng qua có lợi cho nhà đầu tư hơn là cho các quỹ. Thị trường nhìn chung tăng điểm bởi một số cổ phiếu trụ cột, trong trường hợp quỹ nào có sẵn những cổ phiếu này thì nghiễm nhiên được hưởng lợi, danh mục có thể tăng theo xu thế chung. Nhưng với những quỹ nào không sẵn có thì có thể bị đặt vào thế khó.

Trường hợp nếu không mua vào thì những nhà đầu tư vào quỹ sẽ chất vấn tại sao những người làm quản lý danh mục bỏ lỡ cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Nhưng nếu quỹ mua vào, có thể sẽ đối mặt với ít nhất hai loại rủi ro:

Thứ nhất, nếu cổ phiếu có lượng trôi nổi thấp thì việc mua vào là rất khó khăn và tất nhiên khi cần bán ra cũng như vậy. Thứ hai, quan trọng hơn, là khi cổ phiếu dẫn dắt đang trong xu hướng tăng có thể khiến cho các quỹ mua vào ngay mức giá cao và rủi ro thua lỗ là rất lớn. Lúc này có thể người điều hành quỹ lại bị chất vấn thêm một lần nữa là tại sao lại mua cổ phiếu với giá cao ?!

Không chỉ là việc một số cổ phiếu dẫn dắt ảnh hưởng đến VN-Index, việc dòng tiền xoay vòng liên tục và tương đối “khó chịu” cũng khiến các quỹ không dễ nắm bắt. Tính từ đầu năm đến nay, trong một số đợt tăng của VN-Index thường đi theo công thức một nhóm cổ phiếu niêm yết lâu tăng cùng với một số cổ phiếu niêm yết.

Có những thời điểm cả hai nhóm cùng tăng, nhưng cũng có khi chỉ một. Và việc dòng tiền xoay vòng liên tục với chu kỳ chỉ tính theo tuần, thậm chí theo ngày rất khó để các quỹ đầu tư có biện pháp giao dịch phù hợp để mô phỏng cho danh mục của mình, đặc biệt là những quỹ có ý định mua và nắm giữ trong trung và dài hạn.

Và nhìn rộng hơn, thì việc các quỹ khi công bố chiến lược đầu tư là mô phỏng một chỉ số nào đó cũng chỉ mang tính chất định hướng ban đầu, còn trong thực tế, cần phải xem khả năng quản lý danh mục, cũng như các giải pháp mô phỏng linh hoạt đến đâu để đánh giá hiệu quả.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh