Những tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán
Ngày nhập : 20/10/2017 15:27
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, diễn biến thuận lợi của nền kinh tế đang có tác động tích cực và mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc 800 điểm, tăng trên 21% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX-Index vượt mức 107 điểm, tăng 34% so với cuối năm 2016. Tính đến hết phiên giao dịch 19/10, chỉ số VN-Index đạt 828,93 điểm, HNX-Index đạt 109,08 điểm. Đây là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
 
 
Quy mô thị trường cũng đã có bước phát triển vượt bậc, thị trường cổ phiếu có mức vốn hóa tăng 40% so với năm 2016, tương đương 60,7% GDP, tiệm cận với mục tiêu 70% GDP được đề ra trong chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. Thanh khoản trên thị trường được cải thiện mạnh mẽ, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 39% so với năm 2016, trong đó giao dịch trái phiếu đạt mức trên 8.500 tỷ đồng/phiên và giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt trên 4.500 tỷ đồng/phiên. Thị trường phái sinh được vận hành và có sự tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Những tín hiệu khả quan của TTCK cũng đã phản ánh trong hoạt động của các thành viên thị trường. Doanh thu của các CTCK tăng mạnh trên tất cả các mảng hoạt động, số lượng CTCK có lãi tăng so với 6 tháng đầu năm 2016, với 60/85 CTCK hoạt động có lãi với tổng giá trị lãi là 3.060 tỷ đồng so với con số 52 công ty trong năm 2016, số lượng CTCK có lãi lũy kế tăng so với 30/6/2016. Có 41CTCK có lãi lũy kế so với số lượng 37 CTCK của năm 2016. Tình hình tài chính của các CTCK đang dần được cải thiện, phần lớn các CTCK có tỷ lệ an toàn tài chính lớn hơn 180% (hiện chỉ có 2 CTCK có tỷ lệ dưới 180%).

Các CTCK đã tự tiến hành tái cấu trúc thông qua các biện pháp như M&A hay chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông mới. Trong đó, đáng chú ý có nhiều các cổ đông nước ngoài mới là các tổ chức kinh doanh chứng khoán lớn có uy tín trên thế giới và trong khu vực tham gia sở hữu trên 51% vốn của CTCK Việt Nam. Công tác quản trị DN, kiểm soát rủi ro của các CTCK ngày càng được chú trọng và nâng cao.
“Các CTCK đã lập bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận quản trị rủi ro và xây dựng chính sách quản trị rủi ro theo quy định. Một số CTCK đã định hình rõ hướng phát triển theo hướng chuyên doanh góp phần đa dạng hóa hoạt động của hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam”, ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều điểm tích cực, vẫn còn một số mặt hạn chế trong hoạt động của các CTCK đã tồn tại nhiều năm. Đa phần các CTCK vẫn đang tiếp tục khắc phục các khoản thua lỗ những năm trước đây, hơn 50% số lượng công ty vẫn có lỗ lũy kế đến 30/6/2017, trong đó vẫn còn những công ty có lỗ lũy kế trên vốn điều lệ > 50%. Nhiều CTCK hoạt động thua lỗ kéo dài nhiều năm dẫn tới vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định. Một số CTCK còn vi phạm quy định về hoạt động giao dịch ký quỹ, hạn chế tỷ lệ đầu tư và giao dịch, thông tin công bố còn chưa kịp thời, chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro còn chưa cao.

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, TTCK Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Đó là những rủi ro về kinh tế vĩ mô vẫn còn đang tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường. Thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô nhưng vẫn còn nhỏ so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động cần được hiện đại hóa, chất lượng hàng hóa, sự đa dạng của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, chất lượng quản trị công ty cần phải tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.

Đối với khối các CTCK, công tác tái cấu trúc trong hoạt động, trong quản trị rủi ro, quản trị DN vẫn cần tiếp tục phải được đẩy mạnh thông qua sự chủ động của bản thân các công ty nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cũng như quy mô của hệ thống các CTCK, đáp ứng được yêu cầu hội nhập cũng như hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc DNNN và tái cấu trúc nền kinh tế.

Ông Trần Văn Dũng cho biết, trong thời gian tới, UBCKNN vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhất về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các công ty trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực về vốn cũng như quản trị rủi ro, quản trị công ty và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. “UBCKNN hiện đang được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, xây dựng Luật Chứng khoán mới trình Quốc hội trong năm 2018. Với những đề xuất mới trong luật này, UBCKNN hy vọng sẽ cùng với các CTCK hình thành được một hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu về cạnh tranh và tiếp tục hỗ trợ mạnh cho quá trình phát triển của TTCK cũng như cho nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Theo Thời Báo Ngân Hàng
 
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh