Tái khởi động nền kinh tế thời hậu dịch
Ngày nhập : 05/05/2020 15:48
Ngành Ngân hàng đã rất chủ động, quyết liệt, có nhiều chính sách, công cụ hỗ trợ quan trọng đối với doanh nghiệp, hộ gia đình và nền kinh tế.
 

Thời gian qua, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị, các tổ chức, DN và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Thời gian tới, ngành Ngân hàng nói riêng và các bộ, ngành quan trọng của Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ ra sao để tái khởi động, tạo sức bật tốt hơn cho nền kinh tế thời hậu dịch Covid-19.

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia để tìm ra câu trả lời thỏa đáng liên quan đến những vấn đề lớn đặt ra đối với nền kinh tế thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về những công cụ chính sách hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế trong thời gian vừa qua ?

Có thể nói ngành Ngân hàng đã rất chủ động, quyết liệt, có nhiều chính sách, công cụ hỗ trợ quan trọng đối với DN, hộ gia đình và nền kinh tế. Đơn cử ngày 16/3/2020, NHNN đã giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành. Đây là một trong các giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ thanh khoản, giúp các TCTD giảm chi phí vốn đầu vào, từ đó gián tiếp giảm lãi suất cho vay khách hàng. Một chính sách quan trọng nữa là NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19.

Trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các TCTD đã tích cực thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn lãi phạt, giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu, cho vay mới với lãi suất thấp hơn thông thường. Đến nay, tổng quy mô các gói tín dụng cho vay mới mà các TCTD cam kết đã lên đến khoảng 600 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các phí dịch vụ như thanh toán, chuyển tiền cũng được hệ thống ngân hàng giảm sâu…

Cùng với gói hỗ trợ tài khóa, gói an sinh xã hội và chính sách kinh tế khác, các chính sách về tiền tệ là rất cần thiết, mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho người dân và DN. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bản thân các TCTD lại phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu và giảm thu nhập hoạt động…

Chúng ta đang bước vào giai đoạn “sống chung an toàn” với dịch Covid-19. Vậy ông có gợi ý chính sách gì nhằm tạo sức bật tốt hơn cho nền kinh tế ?

Theo tôi, trước mắt có 8 giải pháp ưu tiên thực hiện ngay trong năm nay.

Thứ nhất, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay vẫn phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Giai đoạn hiện nay, dịch bệnh tại Việt Nam đã phần nào được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan, ban ngành, DN và người dân vẫn cần hết sức cẩn trọng, không chủ quan. Việc nới lỏng cách ly xã hội cần có lộ trình, phân nhóm phù hợp, và gắn chặt với việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội… Làm tốt điều này chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Do đây là vấn đề mới nên các hướng dẫn thực hiện cần được cụ thể, rõ ràng, đảm bảo nhất quán thực hiện, công khai, minh bạch. Để làm được điều này, nên tăng cường ứng dụng CNTT nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng tốc độ xử lý. Đồng thời, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và các bộ máy đoàn thể cùng với các biện pháp giám sát, hậu kiểm đảm bảo đúng và trúng đối tượng, hạn chế tối đa hiện tượng trục lợi chính sách.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Nhất là các công trình trọng điểm quốc gia như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn. Theo tính toán của chúng tôi, nếu Việt Nam giải ngân hết số vốn đầu tư công theo kế hoạch là 700.000 tỷ đồng sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 1,44 điểm %.

Thứ tư, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Quy mô tiêu dùng cá nhân (bán lẻ) của Việt Nam tương đương gần 82% GDP và đóng góp 11,87% GDP năm 2019. Theo đó, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1%, thì sẽ giúp GDP năm 2020 tăng thêm 0,11 điểm %.

Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân (cả DN tư nhân và hộ kinh doanh cá thể, đóng góp gần 40% GDP năm 2019). Điều này cũng phù hợp với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa. Tôi tính toán sơ bộ, nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1% so với năm 2019, sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,16 điểm %.

Thứ sáu, bản thân các TCTD cũng như DN, cần nghiên cứu cẩn trọng xu hướng phục hồi thị trường sau dịch bệnh để khai thác tối đa cơ hội, nhất là mảng logistics, bán lẻ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT, phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ và phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng. Tập trung làm tốt điều này sẽ giúp vừa tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

Thứ bảy, nghiên cứu và cập nhật kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; bao gồm những chính sách, biện pháp để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh của các DN, người dân ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam. Chính phủ có thể cân nhắc thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, giúp việc cho Chính phủ để đưa ra đề xuất phương án tối ưu giữa phòng chống dịch bệnh và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (nhất là ba trụ cột đã xác định); tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ sở để Việt Nam làm chủ một số yếu tố đầu vào, phần nào hạn chế nhập khẩu. Hơn nữa, sẽ giúp tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm lại tăng khả năng kết nối giữa các khối DN. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả, lâu dài gắn kết chặt chẽ với phát triển nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới và quá trình đô thị hóa. Cùng với đó, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và DN, năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh