Tăng trưởng tín dụng khá tích cực
Ngày nhập : 06/04/2022 17:04
Đó là nhận định của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khi trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 4/4/2022 tại Hà Nội
 

(Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của phóng viên)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình và mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm là sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế, có thể sẽ tăng lên, cũng có thể giảm xuống.

Thời điểm hết tháng 3/2022, con số tăng trưởng khá tích cực với 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%) tăng 2,3%. Điều này cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả. Đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường.

Cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong khôi phục nền kinh tế, kết quả tăng trưởng tín dụng đạt được như trên là dấu hiệu tích cực trong khôi phục phát triển của các doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, mức tăng như trên so với các năm trước là mức rất cao. Cuối năm NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Chính phủ đã đồng ý với việc xây dựng Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42), Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết: Về xử lý nợ xấu, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành đã tác động rất tích cực. Số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết 42 là 380.000 tỷ đồng.

Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội, nhất là những tài sản thế chấp trong những khoản nợ khi đã đưa vào nợ xấu thì được giải quyết, xử lý tích cực, tránh hao mòn tự nhiên, hư hỏng hoặc tài sản đóng băng. Nghị quyết 42 có lợi ích không chỉ với xã hội mà còn lợi ích với cả ngân hàng và các doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Theo quy định, sau 5 năm Nghị quyết 42 hết thời hạn hiệu lực, NHNN thấy rằng đối với việc phát triển kinh tế xã hội nói chung, cần có một luật liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu của nền kinh tế, không chỉ xử lý nợ xấu của riêng ngành ngân hàng.

NHNN đã đề xuất báo cáo Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật. Nếu không kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 thì sẽ có một số khoản nợ thuộc đối tượng trong Nghị quyết 42 mà không có cơ sở pháp lý để triển khai, đây sẽ là khó khăn cho những khoản nợ đó.

Trong 2 năm vừa qua, do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với một số doanh nghiệp, lĩnh vực, nợ xấu có khả năng xuất hiện. Vì vậy, việc tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 làm cơ sở pháp lý để xử lý những khoản nợ đó sẽ tạo ra sự tích cực, lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội và ngành Ngân hàng. Chính vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm thủ tục cũng như nghiên cứu đánh giá cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 trong thời gian tới.

                                                                                                 (Nguồn: Tạp chí Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh