Thị trường chứng khoán có kỳ vọng tăng trưởng sau Tết
Ngày nhập : 25/01/2022 15:05
Sóng thị trường chứng khoán sau Tết được dự đoán sẽ mạnh mẽ hơn nhờ nhiều yếu tố tích cực tác động.
 

Giai đoạn trước Tết âm lịch 2022, thị trường chứng khoán có những đợt giảm sốc, hàng trăm mã chốt phiên đỏ lửa. Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá lo lắng vì đây là xu hướng có thể dự đoán được và chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo dữ liệu lịch sử trong 6 năm gần đây, hầu hết các nhịp giảm điểm của thị trường trước Tết Âm lịch sau đó ngay lập tức tăng trở lại.

Theo các chuyên gia tài chính của Công ty Cổ phần PGT Holdings, việc thị trường tăng mạnh rồi giảm sâu là bình thường. Sở dĩ thị trường chứng khoán trước Tết giảm bởi văn hóa đầu tư trong nước là khuynh hướng gom tiền về để đánh giá hiệu quả trong một năm. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dịp sát Tết nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên họ thường bán một phần cổ phiếu để thu về tiền mặt phục vụ nghỉ lễ…

Dòng tiền sẽ sớm quay lại thị trường vào giai đoạn sau nghỉ lễ Tết bởi vì đây là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được dự đoán tích cực hơn nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi vào quý 4/2021. Đây cũng là giai đoạn các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục đầu tư, luồng tiền sẽ có xu hướng chạy vào những cổ phiếu được dự đoán hoạt động tốt trong năm vừa qua.

Nhà đầu tư F0 hoàn toàn có thể mong đợi những tín hiệu tốt đầu năm khi thị trường chứng khoán Việt vẫn được đánh giá tiềm năng phát triển cao. Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang ổn định và gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Một tín hiệu tích cực là việc Quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV FUND) từ Đài Loan bắt đầu huy động vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam với quy mô mệnh giá phát hành khoảng 6 tỷ đài tệ (tương đương gần 5,000 tỷ VND) bắt đầu từ ngày 10/01/2022. JSV FUND đánh giá Việt Nam là một "viên kim cương của châu Á" khi sở hữu 4 yếu tố quan trọng là: tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn con người, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán.

Về tăng trưởng kinh tế, trong năm qua Việt Nam tăng 10 bậc lên vị trí 67 trong bảng xếp hạng "Năng lực cạnh tranh toàn cầu" của WEF (World Economic Forum). Về nguồn vốn con người, nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đi kèm với sự gia tăng thu nhập đã và sẽ mang lại nguồn vốn cho thị trường chứng khoán. So sánh với lịch sử các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, khi GDP tăng, làn sóng đầu tư vào TTCK cũng tăng tương ứng.

Nguồn vốn nước ngoài cũng là một điểm mạnh khi năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, nhiều thương vụ M&A lớn diễn ra bất chấp dịch bệnh.

Thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng được đánh giá tiềm năng khi dư địa phát triển còn rất lớn. Trong một đến hai năm tới, Việt Nam được dự đoán có thể được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trên đà tăng trưởng của TTCK Việt…

                                                                                                                     (Nguồn: cafe F)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh