Thời của dòng tiền chủ động
Ngày nhập : 12/04/2019 15:29
 
Trong kịch bản cơ sở, các rủi ro ngoại biên không chuyển biến xấu, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ diễn biến giằng co đầu quý, sau đó tăng vào cuối quý, nhờ bối cảnh vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp và lực cầu ổn định từ khối ngoại.

Quý I/2019, TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh thứ 2 trong 6 thị trường trong khu vực.

Trước đó, quý IV/2018, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường giảm sâu nhất. Điều này phản ánh mức độ biến động mạnh của chỉ số VN-Index do tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân lớn (chiếm 70 - 80% giá trị giao dịch), khiến thị trường bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý và thường phản ứng quá đà trước các yếu tố thông tin.

Hiện tại, P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức trung bình, trong khi ROE ở mức cao nhất so với các thị trường trong khu vực, kéo theo chỉ số P/B cao. Đáng chú ý, ROE của các doanh nghiệp Việt Nam cao có nguyên nhân chính do các doanh nghiệp sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính.
 
Đánh giá chung, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn so với các TTCK trong khu vực, nhờ tăng trưởng EPS duy trì ở mức cao tương đối, cùng với hiệu quả hoạt động (thể hiện qua ROE) cao. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay khiến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động ở mặt bằng lãi suất, là yếu tố rủi ro hàng đầu cần được theo dõi chặt chẽ.

Về kết quả kinh doanh quý I/2019, dự kiến đà tăng trưởng tích cực sẽ được duy trì ở số đông các doanh nghiệp. Lưu ý, mức tăng trưởng mạnh ở nhóm ngành ngân hàng (+65%) trong quý I/2018 so với cùng kỳ 2017 chủ yếu đến từ các khoản thu hồi nợ xấu, giảm trích lập dự phòng và hiện thực hóa trái phiếu đầu tư.

Các khoản thu nhập trên nhiều khả năng sẽ không còn hoặc không đáng kể trong quý I/2019, khiến lợi nhuận ngành này có thể tăng trưởng chậm lại (12 - 15%), mặc dù tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng dự báo duy trì ổn định.

Các nhóm ngành còn lại nhìn chung sẽ duy trì được đà tăng trưởng ổn định, mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng có thể giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái như mặt bằng lãi suất tăng nhẹ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới có phần chậm lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng trưởng yếu, định hướng siết dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)…

Đối với yếu tố thông tin trong mùa đại hội đồng cổ đông, mức độ tác động tích cực đến thị trường dự báo sẽ không quá lớn, do kế hoạch cũng như triển vọng kinh doanh 2019 của nhiều doanh nghiệp có thể “chậm lại” sau 2 năm tăng trưởng cao.

Chính sách tiền tệ của NHNN vẫn đang bám sát mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mục tiêu ổn định vĩ mô luôn bám sát với 2 nhiệm vụ chính là kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Với đà tăng của USD trong năm 2018 dự báo sẽ chững lại trong năm 2019, kết hợp với nguồn cung USD dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại và đầu tư FDI, tỷ giá năm 2019 sẽ diễn biến tương đối ổn định.

Về tổng thể, với định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, NHNN sẽ chưa có ngay các biện pháp thắt chặt/nới lỏng tiền tệ trong quý II, mà nhiều khả năng duy trì một chính sách tương đối trung tính như ở thời điểm hiện tại (lãi suất đi ngang hoặc tăng nhẹ và tăng trưởng tín dụng ở mức trung bình thấp). Diễn biến lạm phát trong các tháng tới sẽ là cơ sở để NHNN điều chỉnh về mặt chính sách trong nửa cuối năm….

(Nguồn: Đầu tư chứng khoán)
 
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh