Thông tư 03: Thêm dư địa để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày nhập : 20/05/2021 16:27
Với việc mở rộng phạm vi hỗ trợ như ở Thông tư 03, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ chính sách.
 

Hỗ trợ cả ngân hàng và doanh nghiệp

Ngày 17/5, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chính thức có hiệu lực.

Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh việc mở rộng phạm vi hỗ trợ, Thông tư 03 còn giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp trở lại tại nhiều địa phương trong cả nước, những chính sách lại càng có ý nghĩa, giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi.

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đánh giá, các giải pháp, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đưa ra từ đầu năm đến nay, trong đó có việc ban hành Thông tư 03 là phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và tạo thêm dư địa để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp.

Cho rằng, những thay đổi tại Thông tư 03 về cơ bản là phù hợp, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cái được lớn nhất tại Thông tư này là tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn do không bị chuyển nhóm nhất là trong bối cảnh gặp khó khăn như hiện nay. “Đây là yếu tố hỗ trợ rất quan trọng để doanh nghiệp có thể phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thông tư 03 đặt ra lộ trình 3 năm đối với khoản dự phòng rủi ro bổ sung đã giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro, nhưng vẫn đủ đảm bảo giảm bớt hiện tượng lãi ảo của các TCTD…

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1/2020 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng. Với việc mở rộng phạm vi hỗ trợ như ở Thông tư 03, theo dự kiến các con số trên sẽ tiếp tục tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa có thêm nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ chính sách…

TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định, nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm nay. Tuy nhiên ông cho rằng, không nên quá lo bởi các ngân hàng cũng đã lường trước tình huống này nên đã có sự chuẩn bị thông qua việc quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nên nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.

Trên thực tế, với năng lực tài chính và tỷ lệ bao nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ngày càng cao cho thấy khả năng kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng vẫn khá tốt…

Để giải quyết dứt điểm các khó khăn cho các TCTD, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một lần nữa TS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, Chính phủ phải có một giải pháp mang tính đặc thù hỗ trợ ngành Ngân hàng bằng cách cho phép khoanh nợ. Nếu được như vậy, TCTD giảm bớt áp lực lo nợ xấu, mạnh dạn cho vay hơn và quan trọng đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.

Đối với đề xuất trên, theo TS. Cấn Văn Lực, đó cũng là phương án cần tính đến. Một vấn đề mà vị chuyên gia này lưu ý là các giải pháp tiền tệ tín dụng chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Thông thường đối với các nước, hỗ trợ về tài khoá, hỗ trợ an sinh xã hội ở mức lớn hơn so với gói hỗ trợ tiền tệ tín dụng. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, chỉ mình ngân hàng sẽ khó có thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp mà rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành…

“Thời gian tới, cần phải có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, sớm vượt qua khó khăn”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh