Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát thực tế
Ngày nhập : 23/04/2021 13:43
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2021 và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng diễn ra vừa qua (22/4), đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông tin và giải đáp một số vẫn đề “nóng” về chính sách tiền tệ được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại buổi họp báo

Năm 2020, NHNN đã điều chỉnh lãi suất mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây với 3 lần hạ lãi suất điều hành. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng theo định hướng của NHNN giảm dần. Với trên 9 triệu tỷ đồng dư nợ và trên 10 triệu tỷ đồng huy động từ nền kinh tế, độ trễ có, định hướng điều chính sách tiền tệ cần thời gian để mặt bằng lãi suất giảm xuống. Thực tế đã chứng minh, trong năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đã giảm khoảng 1% như số liệu NHNN đã thu thập được.

Trong 3 tháng đầu năm nay, xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn. Có thể khẳng định được định hướng cho thị trường cần có độ trễ nhất định. Qua quan sát, do thanh khoản hiện nay khá tốt nên trước mắt lãi suất vẫn sẽ ổn định và trong điều kiện có cơ sở tiếp tục kiểm soát thì lãi suất có thể giảm trong thời gian tới.

Còn lãi suất cho vay cũng giống lãi suất huy động, ngành Ngân hàng phải cân đối lợi ích của cả người gửi tiền lẫn người vay vốn, cộng với bối cảnh của lạm phát, tỷ giá… thì lãi suất cho vay cũng phải có diễn biến phù hợp với mức độ thanh khoản, đầu vào của các tổ chức tín dụng, yếu tố khác của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, lãi suất sẽ tiếp tục ổn định.

Còn tín dụng, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng là cần thiết trong điều hành đảm bảo an toàn vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất trên thị trường trong nhiều năm qua. Với bối cảnh với quy mô tín dụng khá lớn, nền kinh tế dựa vào nhiều tín dụng ngân hàng, việc kiểm soát tốc độ tăng tín dụng rất là cần thiết, giao chỉ tiêu hàng năm cho từng tổ chức tín dụng, tuỳ diễn biến trong năm có thể điều chỉnh phù hợp thực tế, thực hiện theo định hướng đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, khuyến khích tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Từ 2018-2020, tăng trưởng tín dụng bất động sản lần lượt là 26,76%, 21,53% và 11,89%. Nếu so sánh với cùng kỳ của các năm trước, mức tăng khoảng 3% trong 3 tháng đầu năm, dù cao hơn năm 2020 do bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng vẫn thấp hơn những năm trước đó, cho nên chúng tôi đánh giá là không tăng đột biến. Tín dụng vào bất động sản của toàn Ngành chiếm khoảng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. Như vậy, hiện nay NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản…

Đối với các giải pháp tránh rủi ro, NHNN đã ban hành các quy định nhằm hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ví dụ như NHNN đã ban hành Thông tư quy định tỷ lệ an toàn trong đó điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện đang áp dụng 40%). Ngoài ra, áp dụng tăng hệ số rủi ro trong tín dụng để tăng cường giám sát và hạn chế các khoản vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Ví dụ như là các hợp đồng tín dụng có mức từ 4 tỷ đồng trở lên áp dụng hệ số rủi ro 150%...

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh