Bước đi hợp lý, hài hòa các mục tiêu
Ngày nhập : 19/03/2020 12:01
Bước đi hợp lý, hài hòa các mục tiêu

Động thái giảm một loạt các mức lãi suất điều hành đã phần nào cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

NHNN vừa có các quyết định giảm một loạt các mức lãi suất điều hành, mức cắt giảm cũng khá lớn 0,5 đến 1 điểm phần trăm, thay vì chỉ cắt giảm có 0,25 điểm phần trăm như thời điểm tháng 9 năm 2019. Điểm đáng chú ý nữa là không như năm 2019 khi mà các mức lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm từ giữa tháng 9, song phải hai tháng sau đó (ngày 19/11) NHNN mới giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND. Lần này, NHNN cùng lúc thực hiện giảm ngay các mức lãi suất này.

Động thái mạnh mẽ này đã phần nào cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đây là bước đi hoàn toàn hợp lý của nhà điều hành khi mà làn sóng cắt giảm lãi suất đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19 đang đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
 
Ảnh minh họa

Đơn cử chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có hai lần thực hiện cắt giảm lãi suất khẩn cấp bên ngoài một cuộc họp chính sách, mức cắt giảm cũng rất lớn. Chưa dừng lại ở đó, Fed còn tái khởi động lại chương trình mua tài sản, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng để hỗ trợ nền kinh tế của mình. Nhiều NHTW lớn khác như NHTW châu Âu, NHTW Nhật Bản, NHTW Anh, NHTW Canada… cũng có hành động tương tự.

Trong khi đó, trong nước áp lực lạm phát đã dịu bớt do giá dầu thế giới giảm mạnh, kéo giá xăng dầu trong nước giảm theo. Đó là một trong những điều kiện cơ sở để NHNN thực hiện cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành cho thấy NHNN sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để hỗ trợ, khuyến khích các NHTM mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới với doanh nghiệp.

Không chỉ hợp lý về thời điểm mà liều lượng cắt giảm của nhà điều hành cũng phù hợp với diễn biến của nền kinh tế trong nước và sức khỏe của hệ thống ngân hàng; hài hòa với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nói như TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, động thái điều chỉnh chính sách của NHNN mặc dù mạnh hơn so với giai đoạn trước, song cũng “đủ thận trọng” để vừa vẫn kiểm soát được lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát Việt Nam chưa phải là thấp.

Quả vậy, lạm phát vẫn là một ẩn số khó lường và được nhiều tổ chức xem là một lực cản lớn nhất đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay. Trên thực tế, tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước, song mức giảm là khá thấp so với các tháng sau Tết của nhiều năm trở lại đây. Trong khi lạm phát tính theo năm vẫn tăng tới 5,4%; lạm phát bình quân cũng tăng tới 5,91% đều là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Chưa kể, mặc dù giá dầu thế giới đang giảm mạnh, song chủ yếu xuất phát từ bất đồng giữa Nga và Ảrập Xêút trong việc cắt giảm sản lượng; vì vậy nếu hai bên giải quyết được những bất đồng này, giá dầu rất có thể sẽ phục hồi. Trong khi giá thịt lợn hiện vẫn đứng ở mức cao, kéo theo giá của nhiều thực phẩm khác; giá các vật tư y tế cũng được dự báo sẽ tăng do dịch bệnh…

Trong bối cảnh đó, rõ ràng sự thận trọng của nhà điều hành trong việc cắt giảm lãi suất là điều cần thiết. Không chỉ căn theo lạm phát mà động thái chính sách của NHNN còn tính tới cả “sức khỏe” cũng như thực tế hiện tại của hệ thống ngân hàng. Theo đó, NHNN chỉ giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho TCTD cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó TCTD thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Đặc biệt, theo TS. Võ Trí Thành, liều lượng cắt giảm dù mạnh song “vẫn tạo ra dư địa nhất định để vào thời điểm cần thiết cơ quan này vẫn có thể tiếp tục làm mạnh hơn trên cơ sở vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô”.
Nói về định hướng điều hành chính sách thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỷ giá, giá dầu…) qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ tại thời điểm và với liều lượng hợp lý.

Tuy nhiên, như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước, không chỉ với Việt Nam mà với cả các nền kinh tế phát triển, đó là một mình chính sách tiền tệ không thể giải quyết được tận gốc những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ rất cần có sự chia lửa từ chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
 
Nguồn: Thời báo Ngân hàng

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh