Thị trường có chiều hướng tốt trong những tháng cuối năm
Ngày nhập : 10/09/2019 15:05

Tính đến ngày 30/8, chỉ số VN-Index đạt 984,06 điểm, tăng 10,3% so với cuối năm 2018; Quy mô vốn hóa đạt khoảng 81,6%, tăng 14% so với cuối năm 2018. Các chuyên gia dự báo thị trường tiếp tục có chiều hướng tốt trong những tháng cuối năm, đặc biệt những đợt "bung hàng" mới của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.
 
 
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu năm 2019. Tính đến ngày 30/8, chỉ số VN-Index đạt 984,06 điểm, tăng 10,3% so với cuối năm 2018; Quy mô vốn hóa đạt khoảng 81,6%, tăng 14% so với cuối năm 2018. Sự phát triển của TTCK tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, huy động vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển.

Các chuyên gia dự báo thị trường tiếp tục có chiều hướng tốt trong những tháng cuối năm, TTCK Việt Nam sẽ tích cực do sự quay lại của dòng vốn ngoại và VN-Index sẽ đạt khoảng 1.100 điểm.

Có thể kể đến tín hiệu tích cực từ việc một số quỹ đầu tư của Mỹ hiện đang quan tâm đến Việt Nam thông qua quỹ ETF sắp ra đời của Công ty Quản lý quỹ Việt Nam. Ngoài ra, việc Chính phủ ban hành danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) đến hết năm 2020, những đợt "bung hàng" mới cũng là yếu tố hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chia sẻ, các chính sách về CPH doanh nghiệp nhà nước có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, trong đó dễ thấy nhất là giúp rút ngắn thời gian giao dịch cổ phần IPO; Đồng thời góp phần tăng quy mô, thanh khoản TTCK, đưa phương thức đấu giá IPO ở Việt Nam đến gần với thông lệ quốc tế; Tăng cường khả năng huy động vốn; Công khai minh bạch thông tin, đổi mới về quản trị…Và phần lớn các doanh nghiệp sau khi CPH một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt.

Cũng theo ông Quỳnh, doanh nghiệp nhà nước CPH là trụ cột của TTCK Việt Nam. Nếu tính riêng số doanh nghiệp niêm yết thì hiện có đến 162 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 44%, còn trên thị trường Upcom thì có đến 457 doanh nghiệp CPH, chiếm 54%. Cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM. Cùng với đó là phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của DNNN CPH.
Thêm vào đó, cuối tháng 9 này FTSE Russell sẽ công bố báo cáo phân loại thị trường. Những thay đổi sẽ rõ nét hơn khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2019 và có hiệu lực vào 2020, khả năng Việt Nam vẫn được giữ trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell trong đợt công bố tháng 9 và cơ hội nâng hạng chỉ đến vào cuối năm 2020 hoặc 2021.

Bộ Tài chính cho biết, trong các tháng còn lại của năm 2019, Bộ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) theo kế hoạch; Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Nghị định số 60/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp lý khác; Triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, bất thường (nếu có) đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, giám sát... Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các đề án, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng đã đăng ký; Tham mưu điều hành lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ...

Nguồn: Tạp chí Tài chính

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh