Cập nhật, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 06/01/2018 đến ngày 12/01/2018
Ngày nhập : 16/01/2018 10:15
I. Tổ chức tín dụng được trả khoản nợ không có bảo đảm khi thanh lý tài sản
Ngày 29/12/2017, Ngân hành nhà nước ban hành Thông tư 24/2017/TT-NHNN về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, các hành vi bị cấm trong quá trình thu hồi Giấy phép, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản;
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Tặng, cho, cầm cố, thế chấp và cho thuê tài sản;
- Ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động;
- Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.
Như vậy, hành vi thanh toán nợ không có bảo đảm không còn bị cấm như quy định tại Điều 7 Thông tư 34/2011/TT-NHNN ngày 28/10/2011 nữa.
Thông tư 24/2017/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 26/02/2018.
II. Thông tư 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Ngày 29/12/2017, NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, từ 03/3/2018, khi rút ngoại tệ tiền mặt ở nước ngoài thì một thẻ ngân hàng chỉ được rút tối đa số ngoại tệ tương đương 30 triệu đồng Việt Nam (VND) trong một ngày (quy định hiện hành không quy định hạn mức).
Ngoài ra, Thông tư này đồng thời bổ sung quy định về hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
- Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng tối đa là 01 (một) tỷ VND.
- Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu VND.
Xem thêm chi tiết tại Thông tư 26/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 03/3/2018.
III. Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư số 22/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 và Chế độ báo cáo tài chính đổi với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007
Ngày 29/12/2017, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 22/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/3/2004 và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Thông tư được ban hành nhằm tuân thủ quy định về tỷ giá tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13, đáp ứng yêu cầu kế toán theo các quy định mới về chế độ tài chính, có chế nghiệp vụ, và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, trừ quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vĩ mô.
Thông tư gồm 4 Điều, cụ thể:
Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hệ thống Tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (gồm 3 khoản)
(1) Quy định về tỷ giá dùng để quy đổi số dư tất cả các tài khoản thuộc khoản mục tiền tệ là ngoại tệ để lập báo cáo tại thời điểm cuối tháng, quý, năm theo 2 đối tượng: tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối và tổ chức tín dụng không được cấp phép kinh doanh ngoại hối.
Để đảm bảo phản ánh các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ bám sát tỷ giá thị trường tại thời điểm quy đổi, tổ chức tín dụng được cấp pháp kinh doanh ngoại hối sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm nếu tỷ giá này chênh lệch lớn hơn 1% so với tỷ giá bình quân gia quyền thì tổ chức tín dụng sử dụng tỷ giá bình quân gia quyền để quy đổi.
Tổ chức tín dụng không được cấp phép kinh doanh ngoại hối sử dụng tỷ giá giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng trong tháng, quý, năm của Ngân hàng thương mại thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán.
(2) Sửa đổi, bổ sung nội dung, kết cấu của một số tài khoản để phù hợp với các quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp; phù hợp với thực tiễn hoạt động ngày càng đa dạng của các tổ chức tín dụng.
Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Chế độ báo cáo tìa chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (gồm 2 khoản)
(1) Quy định đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam là đồng Việt Nam.
(2) Bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam do trước đây, Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng chưa quy định.
Điều 3 và Điều 4: Trách nhiệm tổ chức thi hành và Hiệu lực thi hành.
Thông tư số 22/2017/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2018.
Trân trọng./.