Chứng khoán Việt Nam: Sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới
Ngày nhập : 27/06/2023 16:17
Mặt bằng lãi suất giảm sau bốn lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, bất động sản tạo đáy bước vào giai đoạn hồi phục. Khi hai yếu tố trọng yếu của thị trường đã qua vùng xấu là thời điểm chứng khoán tạo đáy và sẵn sàng cho một chu kỳ mới đi lên, bền vững.
 

Chứng khoán luôn là hàn thử biểu của nền kinh tế. Ở chu kỳ kinh tế thế giới và trong nước biến động khó khăn chạm ngưỡng cửa của suy thoái hậu Covid-19, VN-Index lao dốc thảm hại. Chỉ số bục đáy 875 điểm vào tháng 11/2022 sau đó biến động giằng co trong biên độ hẹp từ suốt đầu năm 2023.

THỜI KỲ KHÓ KHĂN NHẤT ĐÃ TRÔI QUA

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua, thị trường hồi phục đáng kể. Kết phiên giao dịch tháng 5, VN-Index tăng 2,5% trong tháng và tăng tăng 6,8% so với cùng kỳ. So với thời điểm đáy của năm 2022, con số này là 23%. Đầu tháng 6, VN-Index tiếp đà hồi mạnh dần tiến về vùng kháng cự 1.129 điểm.

Có ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của thị trường trong những tháng đầu năm 2023.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt và là ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo đó, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành liên tiếp vào tháng Ba, tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu. Đồng thời, mặt bằng lãi suất ngân hàng áp dụng đối với khách hàng cũng giảm sớm và nhanh hơn dự kiến. Tính tới ngày 21/6/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm khoảng 2–3% so với đầu năm tại nhiều ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đang quanh mức 6,3%. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần có mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mức 7%.

Mặt bằng lãi suất giảm khiến chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Thanh khoản thị trường nhờ đó cải thiện đáng kể trong tháng 5 vừa qua. Giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE tăng 9% so với tháng trước lên trên 10 nghìn tỷ đồng/phiên, tháng 4 cũng tăng 23%. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng tháng thứ 2 liên tiếp với giá trị gần 7,6 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, việc nới lỏng chính sách tiền tệ không chỉ được phản ánh thông qua cắt giảm lãi suất, mà còn thông qua một số Thông tư liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho phép các ngân hàng cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp không có đủ dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu, cổ phiếu bất động sản trở thành tội đồ đẩy chỉ số lao dốc mạnh nhất vào thời điểm cuối năm 2022...

Thứ ba, ở bên ngoài, chỉ số chứng khoán Mỹ tăng đáng kể sau những thông tin Thượng viện Mỹ chuẩn bị cho việc phê chuẩn thỏa thuận nâng trần nợ. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 76,2% Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6 – theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group. Các chỉ số Nasdaq và S&P 500, Dow Jones đồng loạt bứt phá tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Tính từ đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận hiệu suất đầu tư cao nhất trong số các thị trường ở Đông Nam Á. Chỉ số SET của chứng khoán Thái Lan tăng 0,4% so với đầu tháng, Malaysia chỉ số FBMKLCI giảm 1,0% so với đầu tháng, Philippines chỉ số PCOMP, giảm 1,0% so với đầu tháng, Singapore chỉ số STI giảm 1,9% so với đầu tháng và Indonesia chỉ số JCI giảm 3,1% so với đầu tháng.

TRIỂN VỌNG TÍCH CỰC NHƯNG ĐỊNH GIÁ KHÔNG RẺ

VN-Index được kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với hàng loạt thông tin hỗ trợ tích cực như dòng tiền cá nhân sẵn sàng quay lại thị trường, số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 5 hơn 104 nghìn tài khoản, gấp 5 lần tháng 4 và quay về con số tương đương của những tháng cuối năm 2022.

Quan trọng nhất, các chỉ số vĩ mô gần như đã tạo đáy. Xuất khẩu đang dần có tín hiệu khởi sắc trong tháng 5, nhờ vào việc Việt Nam xúc tiến thương mại mạnh mẽ, mặc dù nhu cầu toàn cầu vẫn suy yếu. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính cho tháng 5, xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang một số đối tác lớn như Trung Quốc chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật đã quay trở lại mức tăng trưởng dương trong tháng 5. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 27% tổng xuất khẩu cũng thu hẹp đà giảm. Thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng, ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD.

Giải ngân vốn FDI vẫn ổn định, trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về FDI đăng ký, Việt Nam đã thu hút gần 10,86 tỷ USD vốn FDI, đà giảm thu hẹp so với 4 tháng năm 2023 giảm 17,9%.

Lạm phát Việt Nam tạo đỉnh vào tháng 1/2023 và đã dần hạ nhiệt các tháng sau đó, với CPI bình quân 5 tháng đầu năm vẫn nằm dưới mục tiêu năm 2023 là 4,5%; trong khi đó, lạm phát cơ bản cũng hạ nhiệt nhưng với tốc độ chậm hơn. Chỉ số USD tăng 2,5% theo tháng và tăng 0,7% theo năm, trong bối cảnh lạm phát chi tiêu của người tiêu dùng tháng 4 của Mỹ tăng tốc trở lại. Tuy nhiên, so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định. Dư địa giảm lãi suất điều hành vẫn còn một lần nữa từ nay tới cuối năm 2023.

Tuy nhiên, mức hồi phục đáng kể từ đầu năm đã làm cho định giá thị trường hiện không còn rẻ...

                                                                                                            (Nguồn: Vneconomy)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh