TPHCM: Dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 3,5%
Ngày nhập : 14/07/2023 21:53
Dư nợ tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt khoảng trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tuy thấp nhưng phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế thành phố...
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt nhiều khó khăn, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng liên tục đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như gây áp lực lên điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn duy trì sự ổn định.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với điểm nhấn là chính sách về lãi suất và tín dụng. Với việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, chí phí vốn, từ đó ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… có tác động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về nguồn vốn, về dòng tiền, để duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng, có lãi suất thấp dưới 5,5%/năm (hiện nay là 4%/năm), có tác động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

“Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế thành phố và những khó khăn từ các thị trường, từ sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, thị trường bất động sản có tác động trực tiếp” - Ông Nguyễn Đức Lệnh.

Trong khi đó, lãi suất cho vay ngoại tệ thấp, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt khoảng 177.000 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngoại tệ có điều kiện, song lãi suất vay ngoại tệ tương đối thấp và ổn định đã và đang hỗ trợ rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển.

Đối với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho 47.846 khách hàng vay, đạt 283.000 tỷ đồng, bằng 60% gói tín dụng đã đăng ký.

Thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước với dư nợ tín dụng đạt gần 19.000 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ đạt 126,3 tỷ đồng cho 308 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống... Ngoài ra, các ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,5% cho tất cả các khách hàng…

Riêng dịch vụ thẻ tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tích cực. Với số lượng thẻ đang hoạt động đạt khoảng 18,5 triệu thẻ; số lượng máy ATM đạt 4.106 máy, giảm 0,19% so với cuối năm 2022; số lượng máy POS đạt 135.876 máy, tăng 8,25%. Trong khi đó, số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 90.314 điểm, tăng 8,34% so với cuối năm 2022.

Dù đạt được những kết quả quan trọng như trên nhưng hoạt động huy động vốn và cho vay vốn ghi nhận mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhưng được đánh giá là phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế thành phố và những khó khăn từ các thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, trong thời gian tới, các vấn đề như chất lượng tăng trưởng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, mở rộng và tăng trưởng hoạt động dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản lý, quản trị... tiếp tục là những vấn đề cần được quan tâm.

"Trong 6 tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước theo Chỉ thị 01 và các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ ngành, mà còn tác động tích cực đối với chính sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của chính các tổ chức tín dụng và của ngành Ngân hàng", ông Lệnh nói thêm.

(Nguồn: VnEconomy)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh