Phó Thống đốc: NHNN sẽ duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ và có thể mạnh mẽ hơn trong thời gian tới
Ngày nhập : 20/09/2023 14:41
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền 
 
 
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thảo luận tại Diễn đàn. 

Phát biếu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 tổ chức ngày 19/9, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhìn lại một năm qua, điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, bởi lẽ những tác động từ nhiều chiều, kể cả tác động của các nước xung quanh, các nước lớn, nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước đã chi phối đến đồng đô la, tỷ giá… đã ảnh hưởng trực diện rất nhiều đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, những khó khăn từ nội lực của nền kinh tế, nhất là sau đại dịch Covid cũng như tình hình khó khăn hiện nay của thế giới đã tác động đến khu vực sản xuất và kinh doanh. Chính vì thế, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng và chắc chắn theo hướng thực hiện các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ cũng đã phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bên cạnh đó vẫn tôn trọng các nguyên tắc của thị trường trong quá trình điều hành để vẫn đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu cho các NHTM cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế, điển hình nhất là về lãi suất.

Theo Phó Thống đốc, điều hành lãi suất là một trong những khó nhất lớn nhất trong điều hành lĩnh vực ngân hàng – tiền tệ. Từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh lãi suất tăng, thậm chí hiện đang duy trì mức lãi suất là 5,5%, cao nhất trong lịch sử 40 năm qua của Mỹ. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cách đây một tuần tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023, lãi suất cho vay ở mức 4,5% - là mức cao nhất từ khi thành lập ngân hàng đến nay.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, trong khi lãi suất cả thế giới tăng nhưng riêng ở Việt Nam, căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất. NHNN cũng tạo ra dư địa và thanh khoản cho thị trường và nền kinh tế, đặc biệt là thanh khoản cho các TCTD thông qua các nghiệp vụ và công cụ của mình để làm sao tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để cho vay lãi suất thấp hơn.

Phó Thống đốc cũng chia sẻ thêm, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung trong việc tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Năm 2023, NHNN cũng nới rộng, tạo thông điệp cho nền kinh tế: Tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.

Về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN vẫn tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như hiện nay và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá

Phó Thống đốc đánh giá, điều hành tỷ giá là một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua. Đến thời điểm hiện nay, tỷ giá chỉ mất giá so với đầu năm khoảng 1,8-2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9-10%, thậm chí như Nhật Bản đến 12%. Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều thì NHNN thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ cần chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay của các NHTM đối với các doanh nghiệp vẫn là yêu cầu đặt ra đối với các TCTD, các NHTM trên cơ sở cắt giảm những chi phí và chia sẻ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp.

Theo thống kê, lãi suất cho vay bình quân hiện nay là 7,9%/năm đối với những khoản cho vay mới; lãi suất huy động từ tiền gửi của nền kinh tế hiện là 4,7%/năm. Các khoản cho vay trước đây chưa đến thời hạn trả nợ, thu nợ thì lãi suất cho vay khoảng 9,4%. Lãi suất cho vay những khoản cho vay cũ của doanh nghiệp cũng sẽ từng bước giảm xuống nhưng sẽ có độ trễ.

Phó Thống đốc cho biết, việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.

"Việc điều hành lãi suất cần phải thận trọng bởi nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể dẫn đến một thời điểm nào đó khi độ trễ khi bắt đầu thực hiện được tác động đến nền kinh tế thì có thể dẫn đến sự thái quá và lúc đó lại phải cần chi phí để xử lý hiện tượng thái quá đó và đặc biệt trong vấn đề lãi suất", Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.

Theo Phó Thống đốc, trong hoạt động tiền tệ, huy động và cho vay là cả một quá trình. Chính vì thế, NHNN luôn quan tâm và tìm mọi cách để điều hành lãi suất một cách hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất bình quân lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD nói chung cũng như từng ngân hàng nói riêng. Rộng hơn nữa là hài hòa, đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp, trong đó, giảm lãi suất của các NHTM; có chính sách giãn, hoãn nợ đối với các khoản nợ còn lại đến hạn; cắt bỏ những chi phí, rào cản và những thủ tục cũng như điều kiện tiếp cận vốn của ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành rất nhiều văn bản về mặt thể chế, quy định để tăng tính thông thoáng hơn nữa cho các NHTM trong cho vay, kể cả ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua và hiện nay.

(Nguồn: Nhịp sống Thị trường)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh