Chuông Vàng vọng cổ 2014: Kỳ vọng “mùa vàng” mới
Ngày nhập : 20/08/2014 16:02
(CLVN.VN) - Sáu gương mặt đầu tiên của khu vực miền Bắc và miền Trung - Đông Nam bộ sẽ đi tiếp vòng chung kết xếp hạng (CKXH) của giải Chuông Vàng vọng cổ (CVVC) 2014 đã lộ diện sau hai đêm chung kết khu vực (CKKV) đầu tiên.
 
Bên cạnh hai thí sinh (TS) được đặc cách là Nguyễn Thị Lý (Hải Dương) và Nguyễn Thị Linh Phượng (TP.HCM) đã tự tin khẳng định khả năng của mình để có mặt ở vòng CKXH, bốn TS còn lại: Nguyễn Ngọc Thảnh (Hải Dương), Tạ Công Thành (Thái Bình), Trần Thị Bé Năm và Nguyễn Hồng Cẩm (đều của Tây Ninh) là những gương mặt còn khá mới với khán giả đã theo dõi CVVC trong suốt tám mùa giải trước.

Trong số những gương mặt mới, Trần Thị Bé Năm được khán giả đặc biệt chú ý. Ít nhiều còn thô vụng trong cách ca, cách lấy hơi, nhả chữ, lối thể hiện tâm lý nhân vật… nhưng với chất giọng lạ, làn hơi khỏe và âm vực rộng, Trần Thị Bé Năm đang được kỳ vọng như viên đá thô sẽ tỏa sáng sau khi mài dũa.

Ở khu vực miền Bắc, các TS vào CKKV có khoảng cách khá xa nhau về chất giọng, làn hơi, nhịp nhàng… do vậy ba gương mặt đi tiếp gần như không nằm ngoài dự đoán của công chúng. Điều để lại cho khán giả nhiều ấn tượng đẹp nhất ở đêm CKKV này là khá nhiều TS rất tự tin khi ca vọng cổ bằng giọng miền Nam. Có lẽ đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận, thể hiện tình yêu dành cho cải lương Nam bộ của những người con đất Bắc.

Ở khu vực miền Trung và miền Đông Nam bộ, với cảm nhận của đa số khán giả thì gần như không có sự chênh lệch ở nhiều TS. Chỉ những người thực sự am hiểu và tinh ý mới nhận ra khoảng cách này ở một vài chỗ bị đuối hơi, hoặc câu vô vọng cổ suýt trật nhịp… Hạn chế dễ nhận ra nhất sau hai buổi thi là hầu hết các TS vẫn chọn cách ca an toàn, cố gắng giữ chắc nhịp, chưa dám “phiêu lưu” với cảm xúc hoặc cách luyến láy, nhả chữ để tạo được sự khác biệt cho bản thân, đồng thời mang lại những yếu tố bất ngờ cho đêm thi.

Sau hai đêm CKKV tiếp theo tại Nhà Văn hóa Lao động Công đoàn tỉnh Đồng Tháp (21/8) và Trung tâm hội nghị tỉnh Bạc Liêu (28/8), 12 TS cuối cùng sẽ tiếp tục tranh tài ở vòng CKXH, diễn ra tại Nhà hát Đài truyền hình TP.HCM từ 4/9 - 25/9.
 
Điểm khác biệt lớn nhất của giải CVVC lần IX-2014 là sự thay đổi trong cách chấm điểm của hội đồng giám khảo chuyên môn. Từ vòng CKKV, tiêu chí chấm giải sẽ được quy định rạch ròi gồm các yếu tố: chất giọng, nhịp và kỹ thuật theo tỷ lệ: chất giọng: 6, nhịp nhàng: 3 và kỹ thuật 1. Ở những đêm thi trích đoạn cải lương, chất giọng vẫn ở thang điểm 6 nhưng nhịp chỉ là 1 và kỹ thuật (diễn xuất, vũ đạo…) sẽ là 3.

Vòng CKXH chỉ còn bốn đêm thay vì năm đêm như trước. Với chủ đề xuyên suốt Lịch sử - Tình sử Việt Nam, bốn đêm CKXH sẽ được tổng đạo diễn Lê Thụy dàn dựng theo từng chủ đề riêng. Đêm chung kết 1 (4/9) phác họa Việt Nam một thuở hồng hoang - thời dựng nước. Trong đêm thi, các TS sẽ ca trích một lớp diễn cải lương do BTC quy định, ba TS sẽ bị loại trực tiếp.

Đêm thứ 2 (11/9) sẽ kể lại những câu chuyện tình yêu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, TS thi bài vọng cổ bốn câu cùng một nghệ sĩ khách mời và chỉ còn năm TS được chọn đi tiếp. Cuộc chiến chống giặc ngoại xâm bi hùng của dân tộc Việt Nam sẽ là chủ đề của đêm chung kết thứ 3 (18/9) với phần thi trích đoạn cải lương. Sau đêm này, ba TS có điểm số cao nhất tiếp tục thi tài ở cả hai phần thi ca bài ca vọng cổ và diễn trích đoạn cải lương trong đêm CKXH diễn ra tối 25/9. Tất cả các đêm thi từ vòng CKKV đều được truyền hình trực tiếp trên HTV9 lúc 20g30.

Sau tám mùa giải, giải thưởng CVVC đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện và “mở lối” cho những giọng ca từ đồng ruộng thẳng bước đến với sân khấu cải lương và trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Trong số hàng chục giọng ca được phát hiện sau mỗi cuộc thi, không ít trường hợp đặc biệt, có thể kể như anh công nhân Bùi Trung Đẳng (Chuông Bạc 2010), anh thợ cơ khí Nguyễn Bình Trọng (giải 3 - 2010) hay cô MC của đội văn nghệ địa phương Trần Thị Thu Vân (Chuông Vàng 2009)…

Giải thưởng ở các cuộc thi CVVC đã đưa cả ba trở thành những đào kép chính của đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang. Hơn thế nữa, ngay trong lần đầu tiên “thử sức” ở Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012, cả Bình Trọng và Thu Vân đều được trao Huy chương Bạc cá nhân. Còn nữa, đó là anh “tài công” lái sà lan Võ Thành Phê (Chuông vàng 2008), chàng “Hai lúa” Lê Văn Gàn (Chuông Bạc 2007) - hai trong số những phát hiện hết sức thú vị của chương trình CVVC. Tuy không “dấn thân” vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng cả hai đã để lại cho khán giả mê cải lương nhiều ấn tượng đẹp bởi chất giọng, làn hơi đặc biệt và một số vai diễn với những cá tính khác nhau trong các chương trình phim truyện cải lương hoặc chương trình Ngân mãi chuông vàng.

(Theo Cải lương Việt Nam 19/8/2014)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh