IMF: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm
Ngày nhập : 17/07/2023 15:51
Nhận định về kinh tế Việt Nam, IMF và DBS cho biết Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.
 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng bị chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất.

Đây là đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng DBS - tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore về tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, cùng những khó khăn nội tại, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, không như mức kỳ vọng.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đánh giá đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, đồng thời tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Sau đợt tham vấn định kỳ tình hình kinh tế Việt Nam vào tháng Sáu, trưởng đoàn công tác Điều khoản 4 của IMF, ông Paulo Medas nhận định cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với các điều kiện bên ngoài khó khăn và phức tạp như tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi lãi suất tăng lên.

Nhu cầu trên toàn thế giới giảm khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% trong 6 tháng đầu năm và ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cũng đối mặt với những vấn đề nội tại như sự chững lại của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Tuy nhiên, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược.

Với những nhận định trên, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.

Theo chuyên gia Paulo Medas, trong ngắn hạn, rủi ro đối với tăng trưởng của Việt Nam vẫn lớn. Do đó, các chính sách lúc này nên tập trung vào bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, trong khi đẩy nhanh các cải cách.

Chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

IMF cũng khuyến nghị Việt Nam cần có những hành động quyết liệt nhằm tái cấu trúc thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào giáo dục.

Với tổng vốn FDI đăng ký mới trong nửa đầu năm 2023 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng DBS đánh giá dù đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của FDI nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng ở mức 6-7% và hệ sinh thái điện tử đang phát triển.

Điều quan trọng là dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trong năm 2023 phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam vẫn không hề suy giảm.

Trên cơ sở này, DBS tin rằng trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng nhẹ khi chu kỳ ngành điện tử toàn cầu phục hồi.

Các dịch vụ trong nước và ngành du lịch của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và bổ trợ cho nền kinh tế.

Trưởng Bộ phận tư vấn ASEAN tại hãng tư vấn Dezan Shira & Associates, ông Marco Förster cũng lưu ý rằng các nền kinh tế luôn theo chu kỳ, giai đoạn tăng trưởng chậm là không thể tránh khỏi.

Trước những khó khăn hiện nay, Việt Nam được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn nhờ vị thế mới nổi là trung tâm sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á, dân số có trình độ học vấn cao và vốn đầu tư tăng.

Cùng chung quan điểm này, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings tin rằng lực lượng lao động trẻ, ngày càng có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh cao là sức hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 24 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và Việt Nam dần giải quyết những thách thức trong nước.

Trong “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Koen Vincent thuộc Ban Kinh tế của OECD, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ chịu tác động của những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các điều kiện bên ngoài đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái cho Việt Nam.

Do đó, chính sách kinh tế vĩ mô trước hết cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong ngắn hạn, ưu tiên giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Trong trung hạn, báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi.

Trong lĩnh vực du lịch, báo cáo của Google Destination Insights cho thấy Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ bảy trong khoảng thời gian từ tháng 3-6 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20.

Ông Gary Bowerman, chuyên gia phân tích du lịch tại Kuala Lumpur (Malaysia), cho rằng những thay đổi về quy định thị thực sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng trong 6 tháng tới. Lượng du khách đến Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt khi thị trường Trung Quốc quay trở lại. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước đại dịch COVID-19.

OECD nhận định thách thức lớn nhất của Việt Nam là nâng cao chất lượng hạ tầng, liên kết tốt hơn giữa các bên cung cấp dịch vụ du lịch, mở rộng sự tham gia của cấp địa phương và kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên.

Theo OECD, Việt Nam cũng cần khai thác tốt hơn du lịch nội địa, nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn khách từ bên ngoài, chú trọng đến thị trường các nước ASEAN, Ấn Độ mà Việt Nam hiện nay khai thác hạn chế so với các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Malaysia.

Với lực lượng lao động cạnh tranh, vốn đầu tư cao, các chuyên gia đều tin rằng Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và triển vọng kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm là khả quan.

(Nguồn: TTXVN)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh