Thị trường thực phẩm, nông sản theo tiêu chuẩn Hồi giáo: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Ngày nhập : 07/11/2023 14:10
Trung bình mỗi ngày, Công ty Thực phẩm Tonasia & Beverage xuất khẩu 4 tấn bún khô đạt tiêu chuẩn Halal (thực phẩm đạt chuẩn theo quy định Hồi giáo) vào thị trường châu Âu, Trung Đông, Asean… Đây là một trong số rất nhiều doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh đầu tư khai thác thị trường Halal, vốn được xem là rất tiềm năng.
Dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn Halal của Công ty TNHH SX-TM
Tân Quang Minh - BIDRICO, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM
Nghiêm ngặt nhưng đa dạng
Ông Đinh Phúc, Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm Tonasia & Beverage, cho biết, để tham gia thị trường Halal, công ty đã đầu tư 2 nhà máy chế biến gạo thành bún tại Long An và Đồng Tháp. Nhằm gia nhập bền vững thị trường “khó tính” này, ngay từ khâu đầu tư phải chuẩn hóa quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn organic do Tổ chức Cotrol Union chứng nhận; kế đến, công ty phải chuẩn hóa nguồn nguyên liệu đầu vào vừa theo tiêu chuẩn organic kết hợp tiêu chuẩn chứng chỉ Halal.
Tương tự, hơn 5 năm khai thác thị trường Halal, ông Nguyễn Đức Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, cho biết, công ty có 5 dòng sản phẩm đang xuất khẩu là bánh kẹo, thực phẩm đồ uống, sản phẩm từ sữa, bánh mì và thực phẩm hữu cơ. Công ty phải thực hiện đào tạo nhận thức về tiêu chuẩn Halal cho toàn bộ công nhân dây chuyền sản xuất, kết hợp thành lập đội kiểm soát, đưa ra chính sách sản xuất. Không chỉ vậy, công ty phải tìm hiểu rõ văn hóa Hồi giáo để thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp như: không nói về các tôn giáo khác, không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm, phải có tiếng Arập và người tiêu dùng có thể tiếp xúc trực tiếp với mẫu hàng…
Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, đến nay doanh nghiệp Việt đã khai thác khá tích cực thị trường Halal. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Asean từ đầu năm đến nay đã đạt trên 26,37 tỷ USD. Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TPHCM, khẳng định, nếu tính tổng khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, quy mô thị trường Halal khoảng 860 triệu người. Mức tiêu thụ thực phẩm Halal ghi nhận là lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á là 230 tỷ USD.
Chuẩn hóa năng lực
Thông tin từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới còn nhiều dư địa, được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho biết, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal và là một nước hội nhập sâu nhưng hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng. Do vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.
Từ đó, Bộ KH-CN đã phối hợp Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan để xây dựng các tiêu chuẩn, đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia, triển khai ký kết quy ước thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường Halal.
Tại TPHCM, khu vực tập trung hơn 60% doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước, UBND TP đã xác định việc thâm nhập sâu vào thị trường Halal là chiến lược tăng trưởng mới cho ngành xuất khẩu. Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất, tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững, đặc biệt là đối với lĩnh vực thực phẩm - một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy nhanh phát triển các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi, xây dựng thêm nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho người Hồi giáo. Như vậy, lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường Halal đã có sẵn, vấn đề thuộc về doanh nghiệp, cần chủ động chuyển đổi, tập trung sản xuất để khai thác hiệu quả.
Ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, ngoài những sản phẩm nông sản, thực phẩm, hiện thị trường Halal đang có nhu cầu tiêu dùng rất lớn với các nhóm sản phẩm thảo dược, mỹ phẩm, dược phẩm, đây vốn là lợi thế của Việt Nam khi có đến 5.000 loại dược liệu quý hiếm.
(Nguồn: SÀI GÒN GIẢI PHÓNG ONLINE)