Sẽ tăng quyền năng, tăng vốn cho VAMC
Ngày nhập : 30/10/2014 15:04
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã cho biết như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 khi trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nợ xấu là kết quả phát sinh từ nhiều năm và khi Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì nợ xấu là trọng tâm cần xử lý. NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện tái cơ cấu TCTD và có xử lý nợ xấu, trong đó có thành lập VAMC.

Nói về con số nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 9/2014 nợ xấu là 3,88%. Con số này tại thời điểm cuối tháng 6 là 4,17%; cuối tháng 7 là 4,11%. Còn theo như số liệu của NHNN thì kể từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%. Như vậy con số nợ xấu đã giảm.

Sở dĩ như vậy do trong quá trình điều hành, NHNN cũng có kênh để đánh giá khối lượng nợ xấu. Và theo con số đánh giá nợ xấu của NHNN còn bao gồm cả định lượng và định tính. Những quy định đánh giá nợ xấu định tính, có điểm là đánh giá nợ xấu dựa trên khoản nợ của khách hàng.

Chẳng hạn, khách hàng có một khoản nợ xấu ở một TCTD, thì nếu tất cả các khoản nợ của khách hàng đó ở các TCTD cũng được coi là nợ xấu. Cho nên trong quá trình giám sát trên cơ sở hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thì NHNN cũng đánh giá được nợ xấu để phục vụ cho công tác điều hành, quản lý.

“Ví dụ, với khoản nợ xấu được cơ cấu nhiều lần thì TCTD đánh giá khoản nợ đó không phải là nợ xấu. Nhưng với vai trò quản lý, Cơ quan thanh tra giám sát NH có thể đánh giá các khoản nợ cơ cấu nợ lại nhiều lần vẫn có tiềm ẩn nợ xấu. Do đó, dẫn đến có sự chênh lệch số liệu về nợ xấu giữa các TCTD và NHNN”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích thêm.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, những khó khăn vướng mắc của VAMC đang được NHNN phối hợp với các bộ ngành để tiếp tục tháo gỡ. Đặc biệt là vướng mắc liên quan đến pháp lý khiến khó khăn cho xử lý nợ xấu.

Theo đó, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm, NHNN đang trình Chính phủ ban hành Nghị định 53 (sửa đổi) để tăng quyền năng, tăng vốn cho VAMC, tạo khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường…

Đồng thời, NHNN cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ khó khăn qua các dự án Luật (sửa đổi, bổ sung) để xử lý được nợ xấu như Luật Nhà ở (tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà); Luật Kinh doanh bất động theo hướng cho phép chuyển nhượng dự án BĐS;  Luật DN thì tăng khả năng minh bạch cho xử lý nợ xấu.

"Hệ thống ngân hàng cũng mong muốn từ phía DN có đánh giá rà soát lại hoạt động kinh doanh, tăng khả năng trả nợ, kiểm soát dòng tiền. Và mong các bộ ngành cùng tháo gỡ vướng mắc trong Nghị định 53, thúc đẩy cơ chế bảo lãnh cho DN", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bảy tỏ.

Về lãi suất, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, vào đầu năm 2011 lãi suất cho vay ở mức rất cao trên 20%/năm, nhưng bằng các giải pháp điều hành của NHNN hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên giảm còn 7%/năm. Và hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN về giảm lãi suất để hỗ trợ DN, các NHTM lớn đã cùng cam kết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm và chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với những lĩnh vực trên xuống 10%/năm.

(Theo thoibaonganhang.vn Ngày 30/10/2014)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh