WTO: "Cú hích" mạnh cho FDI
Ngày nhập : 24/10/2014 13:44
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là “cú hích” mạnh vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhờ đó, FDI có sự chuyển biến mạnh về lượng, chất và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO vào ngày 11/1/2007, sau 8 năm gia nhập WTO, dòng vốn FDI tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh cả về vốn đăng ký và giải ngân.

Cụ thể, năm 2007, sau gần 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột biến. Vốn đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, tăng 77,8% so với năm 2006 và vốn giải ngân đạt 8 tỷ USD, tăng 96% so với năm 2006.

Năm 2008, vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục lên đến đỉnh điểm với tổng vốn đăng ký đạt 71,7 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm 2007 và vốn giải ngân đạt 11,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2007. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung cả giai đoạn 2007-2009, vốn FDI giải ngân đạt 29,5 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra là 25 tỷ USD cho cả giai đoạn 5 năm 2006-2010.

Giai đoạn từ năm 2009- nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam tuy có giảm nhưng vẫn được đánh giá cao. Đặc biệt, dòng vốn FDI giải ngân vẫn tăng trưởng tốt, mỗi năm Việt Nam vẫn giải ngân trên 10 tỷ USD vốn FDI. Riêng năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vốn FDI giải ngân có thể lên tới 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia đánh giá, đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội tại Việt Nam.

Không chỉ tăng mạnh về vốn đăng ký và giải ngân, sau gần 8 năm gia nhập WTO, khu vực FDI cũng có những đóng góp ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế- xã hội của Việt Nam.

Nếu như giai đoạn 2001-2006, khu vực FDI chỉ đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thì giai đoạn 2007-2014 khu vực này đã đóng góp gần 30% vào tổng vốn đầu tư phát triển xã hội. Cụ thể, năm 2007 là 24,8%; 2008 là 30,9%; 2009 là 25,7%, 2010 là 25,8%, 2011 là 24,5%, 2012 là 21,6% và 2013 là 22%. 6 tháng đầu năm 2014, khu vực FDI đóng góp 25,1% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Sau khi gia nhập WTO, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI cũng gia tăng đáng kể, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Đóng góp của khu vực FDI vào GDP cũng gia tăng không ngừng, năm 2007 khu vực FDI đóng góp 17,66% vào GDP, cao hơn mức 17,02% vào năm 2006; năm 2008 đóng góp 18,68%;… và 2013 đóng góp 19,6%.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia nhập WTO đã có những tác động tích cực đáng kể đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực cũng còn nhiều vấn đề đặt ra do việc thực hiện và áp dụng các cam kết đầu tư trong các ngành dịch vụ khi Việt Nam gia nhập WTO đã phát sinh những vướng mắc, gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong quá trình thẩm tra, cấp phép đầu tư. Đặc biệt, theo quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam với WTO, bên cạnh một số cam kết thông thoáng, không ít các cam kết đã áp đặt những hạn chế về điều kiện đầu tư, kinh doanh chặt chẽ hơn, điều này đã ít nhiều tác động không tốt đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Để tận dụng tốt hơn cơ hội WTO trong thu hút, sử dụng và quản lý dòng vốn FDI, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách hợp lý, phù hợp có tính đến các điều kiện trong nước và thế giới.

(Theo Baocongthuong)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh