Cập nhật, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật tháng 07 và 08/2018
Ngày nhập : 14/08/2018 10:06
I. Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Theo đó, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập báo cáo và gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm :

- Báo cáo hằng năm về kết quả tự kiểm tra, đánh giá kiểm soát nội bộ theo Phụ lục 01 của Thông tư;

- Báo cáo hằng năm về quản lý rủi ro theo Phụ lục số 02 của Thông tư;

- Báo cáo hằng năm về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo Phụ lục 04 của Thông tư;

- Báo cáo hằng năm về kiểm toán nội bộ theo Phụ lục 05 của Thông tư, báo cáo đột xuất về kiểm toán nội bộ.

Ngoài ra, báo cáo phải cập nhật các tồn tại, hạn chế, rủi ro mới phát sinh của hệ thống kiểm soát nội bộ trong toàn bộ ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 13/2018/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, đối với các quy định đánh giá nội bộ về mức đủ vốn tại Chương V Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

II. Thông tư 15/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp

Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thông tư 15/2018/TT-NHNN cũng sửa đổi quy định về nguyên tắc mua trái phiếu doanh nghiệp như sau:

- TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phải có quy định kiểm soát nội bộ mua trái phiếu doanh nghiệp,

Đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

- TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.

Thông tư 15/2018/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 02/8/2018.

III. Thông tư 08/2018/TT-BTP của Bộ Tư pháp về hướng dẫn đăng ký, cung cấp thông tin, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản

Theo đó, các loại hợp đồng được đăng ký theo yêu cầu bao gồm:

- Hợp đồng thuê tài sản có thời hạn từ một năm trở lên hoặc hợp đồng có thời hạn thuê tài sản dưới một năm, nhưng các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về việc gia hạn và tổng thời hạn thuê (bao gồm cả thời hạn gia hạn) từ một năm trở lên;

- Hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính;

- Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, bao gồm quyền đòi nợ hiện có hoặc quyền đòi nợ hình thành trong tương lai;

- Thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký hợp đồng đã đăng ký tại các hợp đồng trên.

(Trừ hợp đồng mua tàu bay dân dụng, hợp đồng thuê tài chính đối với tàu bay, hợp đồng thuê mua tàu biển, hợp đồng cho thuê tài chính đối với tàu biển...).

Thông tư 08/2018/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/8/2018.

IV. Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ban hành ngày 31/7/2018.

Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau:

- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018:

+ Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 45%;

+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.

- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019:

+ Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%;

+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.

Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

Xem chi tiết tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 31/7/2018).

V. Quyết định 1417/QĐ-NHNN phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 09/7/2018

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của một số hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng, đơn cử như:

- Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với ngân hàng thương mại cổ phần;

- Thành lập chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại;

- Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam;

- Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;…

Tham khảo chi tiết tại Quyết định 1417/QĐ-NHNN năm 2018.

VI. Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 của Ngân hàng nhà nước ban hành về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018.

Theo đó, các TCTD triển khai có hiệu quả trong đơn vị, hệ thống của mình những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: lĩnh vực chứng khoán, tín dụng đối với các dự án BOT, ...

- Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay;

- Tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu;

- Tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động ngân hàng;

- Đẩy mạnh công tác cảnh báo, hướng dẫn để khách hàng nắm rõ thủ tục giao dịch, các rủi ro và thủ đoạn gian lận trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Xem chi tiết tại Chỉ thị 04/CT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 02/8/2018).
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh