Cập nhật, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 20/01/2018 đến ngày 26/01/2018
Ngày nhập : 29/01/2018 10:18
I. Thêm khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/02/2018) sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP về thuế GTGT, thuế TNDN.
Kể từ ngày 01/02/2018, nếu doanh nghiệp chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt mức quy định thì khoản vượt mức không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Cụ thể như sau:
Phần chi vượt quá 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ nếu không vượt mức quy định nêu trên đồng thời phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng, mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau:
- Hợp đồng lao động;
- Thỏa ước lao động tập thể;
- Quy chế tài chính của Công ty, Tổng Công ty, Tập đoàn;
- Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng Công ty.
II. Người lao động làm công tác phòng chống thiên tai làm việc tối đa 40h/tuần
Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.
Theo đó, thời gian làm việc của NLĐ làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai có những điểm khác biệt so với NLĐ làm công việc bình thường. Cụ thể:
- Thời giờ làm việc tối đa là 8 giờ trong một ngày và tối đa là 40 giờ trong một tuần, ít hơn 8 giờ so với NLĐ làm công việc bình thường quy định tại BLLĐ 2012.
- Số giờ làm thêm không vượt quá 4 giờ trong một ngày và tổng số giờ làm thêm không được vượt quá 300 giờ trong một năm.
Ngoài ra, NLĐ thực hiện chế độ thường trực 24/24 được bố trí chế độ nghỉ bù trực và hưởng nguyên lương như sau:
- Trực vào ngày thường được nghỉ bù 01 ngày vào ngày làm việc sau phiên trực.
- Trực vào ngày nghỉ hàng tuần, lễ, tết được nghỉ 02 ngày làm việc sau phiên trực.
III. Thông báo số 86/TB-BHXH năm 2018 về lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo:
Mức lãi suất đầu tư bình quân trong năm 2017 là 7,25 %/năm;
Mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử ngày 29/12/2017 là 4,50%/năm.
Căn cứ lãi suất trên, đề nghị các đơn vị tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
IV. Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ LĐ-TB&XH ban hànhNgày 29/12/2017
Theo đó, Danh mục bổ sung một số ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại nguy hiểm mới như:
- Mỹ thuật ứng dụng (Trung cấp: mã số 52104; Cao đẳng: mã số 62104)
- Sản xuất phân bón (Trung cấp: 5510511; Cao đẳng: 6510511)
- Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật (Trung cấp: 55201; Cao đẳng 65201)
- Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (Trung cấp: 55202; Cao đẳng 65202)
- Khai thác vận tải (Trung cấp: 58401; Cao đẳng 68401)
- Xử lý rác thải (Trung cấp: 5850110; Cao đẳng 6850110).
Thông tư này làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các quy định trong giáo dục nghề nghiệp liên quan đến ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng.
Thông tư 20/2014/TT-BLĐTBXH hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực (ngày 12/02/2018).