Kịch bản kinh tế Việt Nam sẽ đi theo hình chữ gì ?
Ngày nhập : 07/04/2020 11:16
 
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh

"Dịch Covid-19 là cú đập rất nặng với kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, việc vực dậy nền kinh tế dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh. Điều quan trọng là phải giữ cho doanh nghiệp tồn tại, doanh nghiệp mà chết, kinh tế sẽ phục hồi rất chậm", PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh nói với Trí Thức Trẻ.

Điểm khác nhau giữa tác động của Covid-19 và 2 cuộc khủng hoảng trong quá khứ

Trao đổi về tình hình kinh tế quý I/2020 với Trí Thức Trẻ, ông Trần Hoàng Ngân cho biết con số ước tính 3,82% do Tổng cục Thống kê đưa ra là rất khả quan trong tình hình hiện tại. Đặc biệt nếu so với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, GDP quý I ở thời điểm đó chỉ đạt 3,1%.

Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng kinh tế Việt Nam đang trải qua một cú sốc lớn vì bệnh dịch. Do có thêm độ trễ, nhiều khả năng quý II/2020, tác động với nền kinh tế sẽ lớn hơn. Tác động lớn, nhưng ông Hoàng Ngân tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi hậu dịch Covid-19.

Ông lý giải rằng "cú đập" lần này vào nền kinh tế là một biến ngoại sinh, một yếu tố "từ trên trời rơi xuống" chứ không phải do yếu kém nội tại.

"Cú đập này rất nặng nề nhưng nó cũng sẽ được vực dậy rất nhanh", ông Ngân nói và dẫn ra hai báo cáo mới nhất của World Bank và ngân hàng ADB dự kiến GDP 2020 Việt Nam lần lượt là 4,9% và 4,8% và bật tăng thành 7,5% và 6,8% vào năm 2021.

"Có thể hình dung tác động của cuộc khủng hoảng này với Việt Nam sẽ đi theo hình chữ V", ông nhận định. Mô hình chữ V thường được xem là kịch bản lạc quan nhất, hàm ý sự phục hồi nhanh khi nền kinh tế chạm đáy và bật tăng tương đương với đà sụt giảm.

Phân tích kỹ hơn, ông Ngân nhắc lại những tác động mà Việt Nam trải qua trong những kỳ khủng hoảng trước đó.

Cụ thể là khủng hoảng tài chính Đông Nam Á những năm 1997, 1998. Lúc này, Việt Nam chưa hội nhập sâu rộng (chưa gia nhập WTO, chưa có thị trường chứng khoán, độ mở nền kinh tế chỉ khoảng 60 – 65% GDP) nên tác động không lớn. Ở thời điểm trước khủng hoảng, nền kinh tế tăng trưởng khoảng 8 – 9% (giai đoạn 1992 – 1997), đến khi khủng hoảng thì rơi xuống mức 5,76% năm 1998 và 4,7% năm 1999, và phục hồi vào năm 2000.

"Đáy của đợt suy giảm này kéo dài trong 2 năm", ông cho biết.

"Ảnh hưởng của lần khủng hoảng năm 2008 – 2009 nặng và kéo dài. Dù vậy, tôi tin điều này sẽ không diễn ra với năm nay khi chúng ta đang trong đà phát triển tốt", ông một lần nữa khẳng định quan điểm của mình.

Lý do ông đưa ra là kinh tế vĩ mô Việt Nam được giữ ổn định trong 5 năm, lạm phát kiểm soát dưới 4%. Liên tiếp trong 2 năm 2018, 2019, GDP đất nước đạt trên 7%.

"Việc giảm tăng trưởng ở thời điểm này vì dịch bệnh cũng là quy luật chung. Tuy nhiên, qua đợt dịch này, ông cho rằng các quốc gia khác cũng phải nhìn lại Việt Nam với kỹ năng quản trị, khống chế dịch bệnh tốt. Đó cũng phần nào giải thích cho những dự báo lạc quan của World Bank hay ADB"…

(Nguồn: CafeF.vn)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh