Phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao
Ngày nhập : 13/09/2023 14:40
Chiều 9/9/2023 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày. Phiên họp đánh giá, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác
Kinh tế chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để đạt kết quả cao hơn
Trong tháng 8 và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là đạt được mục tiêu tổng quát đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; tăng trưởng được thúc đẩy; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, uy tín quốc tế ngày càng tăng.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức, song KT-XH tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo điều kiện để đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tại Phiên họp Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước tính là 132 nghìn tỷ đồng). Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7%, nhập khẩu tăng 5,7% so với tháng 7, ghi nhận xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng xuất siêu gần 20,2 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tiếp tục là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 đạt 50,5 điểm, thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, tăng 17,2% so tháng 7 và gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so cùng kỳ.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỷ lệ và tăng 85 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3%.
Tình hình phát triển DN ngày càng tích cực hơn, tháng 8 có trên 14.000 DN thành lập mới, tăng 2,3% về số DN và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7. Tính chung 8 tháng có 149.400 DN gia nhập thị trường, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường là 124.700.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu: Kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tập trung nắm chắc tình hình, xây dựng các phương án, kịch bản, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, vừa có những giải pháp đột phá trong ngắn hạn, vừa có giải pháp căn cơ, dài hạn.
Trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần đặt ra là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; Kiên quyết không nói không, nói khó, nói có mà không làm; Kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết loại bỏ những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; Kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Cụ thể, về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư toàn xã hội, huy động nguồn lực toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.
Về xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới.
Với lĩnh vực tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.
Về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và chủ động sửa đổi, hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, DN, hiệp hội ngành hàng với tinh thần cầu thị, lắng nghe. Tập trung chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia; kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các TTHC không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, DN…
Từ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về những động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, những tháng đầu năm có mức tăng trưởng thấp nên đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho những tháng cuối năm và đều hướng tới những mức tăng trưởng khá cao.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để cố gắng đạt những mục tiêu đã đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương. Nghị quyết đã đề ra những giải pháp mang tính cấp bách cũng như nhiều giải pháp căn cơ lâu dài cho phát triển bền vững, trong đó Chính phủ yêu cầu tập trung tối đa các giải pháp cho thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát khá tốt từ đầu năm đến nay.
Về các động lực cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm về 3 động lực, thuận lợi.
Thứ nhất là sự phục hồi của khu vực dịch vụ, nhất là du lịch những tháng qua đã phục hồi tốt nên đóng góp tốt cho tăng trưởng.
Thứ hai là tập trung củng cố trụ đỡ rất quan trọng cho khu vực nông nghiệp, bởi hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng lương thực, trong khi Việt Nam lại có mức độ xuất khẩu nông sản tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản nhưng phải cân đối để vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo an ninh lương thực nội địa.
Động lực thứ ba là thị trường trong nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cần kích thích mạnh mẽ hơn, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", để có điều kiện duy trì sản xuất, mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn. Tuy nhiên, các DN vẫn phải tận dụng cơ hội để tăng đơn hàng quốc tế, duy trì xuất khẩu, duy trì các hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo trong nước.
(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)