Chính sách tiền tệ vẫn thận trọng, linh hoạt
Ngày nhập : 25/07/2019 15:06
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%...
 
 
Hiện trên thị trường đang xuất hiện thông tin cho rằng NHNN có thể đang nới lỏng tiền tệ. Thông tin này xuất hiện sau khi NHNN cuối tuần trước đã giảm lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày về còn 2,75%/năm sau khi đã duy trì mức lãi suất 3%/năm suốt từ ngày 10/10/2018 đến nay.

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách cẩn trọng có thể thấy, những dấu hiệu nêu trên là chưa đủ để kết luận chính sách tiền tệ đang được nới lỏng hơn.

Đơn cử như động thái hạ lãi suất tín phiếu của NHNN, nhìn lại quãng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay có thể thấy, dù Fed liên tục tăng lãi suất nhưng lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở (OMO) vẫn được NHNN duy trì ổn định, thậm chí có một số thời điểm lãi suất OMO còn giảm rất thấp, dưới 1%/năm.

Điều đó cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng mà được điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng cũng như bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Hay như việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng cũng nằm trong tính toán của NHNN. Theo đó những ngân hàng được nới room đều là những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel 2 hoặc tham gia tái cơ cấu các TCTD khác đúng như tinh thần mà NHNN đã đưa ra từ đầu năm. Hơn nữa, mức độ nới cũng không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến mức tăng trưởng tín dụng chung.

Trong khi đó, hiện NHNN vẫn chưa đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào là sẽ nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống, hiện đang được định hướng ở mức 14%. Rõ ràng trong bối cảnh dư nợ tín dụng đã tăng lên 130% GDP như hiện nay, việc kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng là vô cùng cần thiết để đảm bảo sự an toàn và bền vững của hệ thống tài chính - tiền tệ. Hơn nữa, hiện thời hạn áp dụng chuẩn Basel 2 đang đến gần nên ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng hiện nay là củng cố năng lực tài chính để đáp ứng chuẩn này chứ không phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Đó cũng là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong Báo cáo tham vấn điều 4 đối với Việt Nam vừa được công bố mới đây, Ban giám đốc IMF đánh giá cao việc NHNN Việt Nam đang hướng dẫn các ngân hàng áp dụng chuẩn Basel 2 vào năm 2020 cũng như hoan nghênh lập trường chính sách tiền tệ và tín dụng hiện nay, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng giảm đang giúp Việt Nam củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô.

Xét trên cơ sở các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện nay cũng cho thấy chưa thể nới lỏng tiền tệ. Theo đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng vẫn đạt tới 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn rất lớn, đặc biệt lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đã tăng lên 1,87% đòi hỏi việc điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức thận trọng.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh