Kinh tế 9 tháng bứt tốc ngoài dự đoán
Ngày nhập : 30/09/2019 11:31
Với tốc độ tăng trưởng đạt tới 7,31%, nền kinh tế đã bứt tốc mạnh mẽ trong quý III/2019. Nhờ đó, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2019 lên tới 6,98%, vượt mọi dự báo trước đó và là mức tăng trưởng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.
 
 
Bức tranh nhiều điểm sáng

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đạt được kết quả này trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro là thành công lớn trong công tác điều hành của Việt Nam. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,37%; vàcác ngành dịch vụ thị trường, như bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%...

Phân tích kỹ hơn về động lực chính của tăng trưởng, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho hay, công nghiệp luôn là ngành đi đầu, đóng góp lớn vào tăng trưởng. Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng 9,6%, cao nhất ASEAN, đồng thời cũng thuộc top đầu trên thế giới...

Trái ngược với sự khởi sắc của khu vực công nghiệp và dịch vụ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,02%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018 là 3,7%, cho thấy những khó khăn đang bủa vây khu vực này. Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phân tích thêm, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết phức tạp, bên cạnh đó dịch tả lợn châu Phi lây lan khiến ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản gặp khó cả về thị trường và giá xuất khẩu... “Mức tăng 2,02% là tăng thấp nhất nhiều năm gần đây, chỉ cao hơn năm 2016 là năm hạn hán xâm nhập mặn nặng nề”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp chỉ là mảng tối hiếm hoi trong bức tranh chung của nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy nhiều điểm sáng khác hứa hẹn sẽ là động lực để nền kinh tế chạy nước rút thành công trong quý còn lại của năm. Đặc biệt số lượng DN thành lập mới 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt kỷ lục mới với gần 102.300 DN, vốn đăng ký bình quân 1 DN tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6% và là mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các DN mới gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng tăng khá 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (45,3%) đạt tốc độ tăng vốn cao nhất (16,9%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoàivẫn giữ đà phát triển, số vốn thực hiện là 14,2 tỷ USD cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn đáng kể so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 5%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước xuất siêu 5,9 tỷ USD.

Tháo gỡ nút thắt, tận dụng cơ hội

Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ, song Tổng cục Thống kê cũng cảnh báo, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Đáng lưu ý là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa cải thiện nhiều. Trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt và chăn nuôi; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể.Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường...

Trước bối cảnh đó, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, thờigian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt,đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trongNghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trước hết, cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019,tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI và ODA.

Đồng thời cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập DN mới; tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN, đặc biệt trong việc cập nhật thông tin, thủ tục liên quan đến đấu thầu các công trình, dự án và tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh công bằng cho các DN…

Cùng với thúc đẩy sản xuất trong nước, Tổng cục Thống kê lưu ý cần chú trọng tới việc mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Để tận dụng cơ hội mang lại từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cần lựa chọn đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trong danh mục áp thuế của hai nước.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh