ADB: Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ
Ngày nhập : 16/09/2020 09:53
Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định tại Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 vừa được công bố.
 

Triển vọng tích cực

Theo ADB, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn còn nhiều khó khăn, tiêu dùng nội địa giảm và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới Việt Nam nhiều hơn dự kiến.

“Suy giảm kinh tế toàn cầu và các điều kiện trong nước yếu đi, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp và tiêu dùng trong nước suy giảm đáng kể, đã gây tổn hại cho nền kinh tế lớn hơn dự kiến”, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết.

Triển vọng kinh tế còn bị đe dọa bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới kể từ cuối tháng 7/2020. ADB cho rằng năm 2020 này, tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức 1,8%, nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Các chuyên gia của ADB cho rằng bức tranh của Việt Nam không quá ảm đạm và nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, như thặng dư thương mại tiếp tục cao, đồng nội tệ ổn định, giải ngân đầu tư công tăng mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài mặc dù giảm nhưng không quá lớn và Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư… Những yếu tố này mặc dù chỉ đủ sức để kìm lại đà sụt giảm tăng trưởng GDP không quá mạnh trong năm nay và sẽ tạo điều kiện cho phục hồi tốt trong năm 2021.

Một điểm sáng nữa, theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đó là “tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

ADB dự báo năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt và tăng trưởng GDP sẽ lên mức 6,3%. Đây là mức tăng mạnh trở lại so với mức dự kiến đạt được trong năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn so với các dự báo trước đây. Các chuyên gia ADB lý giải, với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn kéo dài trên toàn cầu nên kinh tế thế giới khó có thể bật lên theo mô hình chữ V trong năm 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế dự báo thấp đi cũng sẽ kìm giữ lạm phát ở mức thấp, chỉ 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực với các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các FTA song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn. Trong đó Báo cáo ADO cập nhật nhìn nhận, việc đại dịch Covid-19 còn kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Báo cáo cũng nhận định những thách thức khác bao gồm căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài…

Ở một số chỉ số vĩ mô khác, ADB dự báo thâm hụt tài khóa dự báo có thể tăng lên tương đương 6% GDP trong năm 2020 (trước khi giảm xuống 3,5% vào năm 2021) do thu giảm trong khi chi cho chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội tăng cao và khả năng tới đây còn bổ sung gói hỗ trợ ngân sách mới. Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm xuống mức tương đương 1% GDP vào năm 2020 và phục hồi nhẹ, lên mức 1,5% vào năm 2021. Áp lực làm cho tài khoản vãng lai giảm trong năm nay khả năng lớn nhất đến từ nguồn kiều hối, với dự báo sẽ giảm 18% so với 2019.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, các giải pháp về mặt kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục đều cần thiết song quan trọng nhất lúc này vẫn là giải pháp đến từ y tế. Bởi khi khống chế và kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước thì các hoạt động kinh tế trong nội địa sẽ vẫn duy trì được, giúp bù đắp các tác động tiêu cực từ thị trường bên ngoài.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh