Kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc
Ngày nhập : 08/12/2021 10:22
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 2 tháng chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời, nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố.
 
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn

Tận dụng cơ hội để nhanh chóng phục hồi

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Mặc dù trong thời gian vừa qua, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế, xã hội, tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch Covid-19 và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn. Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu. Do vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là rất cần thiết.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chương trình hướng tới ba mục tiêu đó là: Khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đi cùng với mục tiêu trên là 5 nhóm giải pháp bao gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Công nghệ là “chìa khoá” then chốt

Trao đổi tại diễn đàn, TS. Mary C. Hallward-Driemeier - Cố vấn Kinh tế cấp cao về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, nền kinh tế kỹ thuật số là công cụ hướng tới tăng khả năng cạnh tranh và phục hồi sau Covid-19. Đồng thời, Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho nền kinh tế kỹ thuật số là 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030 và đang có nhiều cơ hội gắn chiến lược tăng trưởng xanh với công nghệ kỹ thuật số, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn…

Để đạt được các mục tiêu trên, đại diện WB khuyến nghị, Việt Nam cần bỏ nhiều quy định hạn chế trong kinh doanh dịch vụ, bao gồm cả đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận công nghệ trong nội dung của các chính sách khoa học, công nghệ, và đổi mới, sáng tạo.

Đồng thời, tập trung hơn vào thúc đẩy áp dụng công nghệ để các DNNVV có thể trở thành nhà cung cấp và có nhiều cơ hội phát triển bao trùm hơn. Đảm bảo ngành logistics phát triển vững mạnh và duy trì sự kết nối với các trung tâm sản xuất.

Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian qua, bộ đã tập trung sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế chính sách để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số.

Hiện nay, bộ đang xây dựng đề án trình Chính phủ trong năm 2022 nhằm hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu để thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Thời gian vừa qua, việc hình thành các loại hình doanh nghiệp, tổ chức này gặp khó khăn do vướng mắc quy định pháp luật, đồng thời đề xuất các giải pháp đột phá dạng thử nghiệm chính sách (sandbox) để vượt qua khó khăn này.

Bên cạnh đó, bộ cũng đang trình dự thảo nghị định về các khu công nghệ cao, để có phương hướng phát triển khu công nghệ cao, theo hướng đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn tư nhân. Ngoài ra, cũng tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh