NHNN triển khai quyết liệt, mạnh mẽ CCHC trên tất cả các mặt
Ngày nhập : 27/06/2017 15:01
“Việc NHNN 2 năm liên tiếp 2015 - 2016 đạt chỉ số Par Index cao nhất trong các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 2 năm trước đó trong Top 3 chính là thành quả chung của NHNN và các TCTD sau một khoảng thời gian dài phấn đấu”.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Thủ trưởng cơ quan hành chính NHTW đã khẳng định như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng cuối năm 2017 vừa diễn ra sáng ngày 26/6/2017.

NHNN cũng đạt điểm cao nhất trong phiếu điều tra xã hội học đánh giá kết quả thực tế về CCHC dành cho các Bộ, ngành chứng tỏ ngành Ngân hàng đã được toàn xã hội, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Những cải cách của Ngành thực sự mang lại hiệu quả và có những tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp và người dân…

Khi cả hệ thống vào cuộc

Nhìn lại năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 lại càng thấy rõ những nỗ lực chung của toàn Ngành trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn quyết liệt tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giai đoạn hội nhập sâu sắc, toàn diện với khu vực và thế giới. Nhận thức trọng trách, vị thế quan trọng của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, công tác CCHC được NHNN xác định vừa là nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng là cơ hội, động lực để các đơn vị trong toàn Ngành đẩy mạnh cải cách, đổi mới. Thông qua cải cách để nâng tầm trong quản lý điều hành của NHNN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ của các TCTD, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Từ việc quán triệt, nắm bắt đầy đủ quan điểm, định hướng trong chỉ đạo điều hành, NHNN đã xác định rõ các định hướng, mục tiêu và xây dựng kế hoạch CCHC hết sức cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm và hàng năm để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành. NHNN đã ban Kế hoạch CCHC năm 2016, 2017, Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 và Quyết định số 259/QĐ-NHNN ngày 28/2/2017 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Mới đây nhất là ngày 2/6/2017, Ban cán sự Đảng NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/BCS về tăng cường công tác quản lý cán bộ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong các đơn vị thuộc NHNN.

Cùng với việc ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch, NHNN thường xuyên theo dõi, đôn đốc và có nhiều hình thức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành nhằm đánh giá sát tình hình, kịp thời chỉ đạo, quán triệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị về CCHC. Lãnh đạo NHNN đã trực tiếp kiểm tra tại một số NHNN chi nhánh, NHTM về CCHC và triển khai Kế hoạch 1355, đã trực tiếp đến làm việc tại các doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Ngành và của TCTD có quan hệ vay vốn.

Với tinh thần triển khai rộng khắp trên toàn Ngành ấy, những kết quả cải cách hành chính càng thêm rõ khi nhìn vào từng lĩnh vực. Vụ trưởng Vụ pháp chế NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, lĩnh vực cải cách hoàn thiện thể chế tiếp tục được NHNN chú trọng, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Các đơn vị chức năng đã tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai tích cực và cơ bản hoàn thành kế hoạch. Chất lượng văn bản được nâng lên rõ rệt, đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật ngân hàng, đáp ứng kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động của hệ thống các TCTD. Kết quả cụ thể, năm 2016, NHNN đã ban hành được 45 Thông tư, 6 tháng đầu năm 2017 ban hành được 3 Thông tư. Đặc biệt, NHNN xây dựng dự thảo 2 văn bản quan trọng là Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật các TCTD sửa đổi, trong đó Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được thông qua làm cơ sở xử lý nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN.

Với việc bãi bỏ 6 TTHC, đơn giản hóa 10 thủ tục, đơn giản hóa và cắt giảm 26 thành phần hồ sơ, 50 điều kiện của các TTHC tại 8 Thông tư NHNN, trong đó có các thủ tục liên quan đến hoạt động thanh toán, NHNN đã không chỉ góp phần đơn giản hóa tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng giao dịch mà còn cắt giảm vượt mục tiêu 10% chi phí tuân thủ đề ra năm 2016

NHNN đã tiến hành rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị phù hợp với quy định mới theo nguyên tắc gọn nhẹ, tránh chồng chéo, đảm bảo cho việc triển khai nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương được thông suốt, hiệu quả. Công tác đào tạo, quy hoạch và luân chuyển cán bộ được tăng cường không chỉ trong hệ thống NHNN mà còn triển khai tại các TCTD nhằm phát huy tối đa năng lực của cán bộ trẻ và tạo ra động lực, nhân tố mới có tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

Hiện đại hóa nền hành chính cũng trở thành một điểm sáng trong cải cách của NHNN với việc từ năm 2016, toàn bộ công chức thuộc NHNN đã sử dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý văn bản, toàn bộ văn bản (trừ văn bản mật) đã được xử lý trên môi trường mạng. Số lượng văn bản và kết quả xử lý hồ sơ của NHNN cũng được kết nối và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Việc hoàn thành và triển khai phần mềm Hệ thống văn bản điện tử đã góp phần thúc đẩy cải cách nội bộ, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, cung cấp công cụ hữu hiệu để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc của công chức, đơn vị và cắt giảm chi phí hành chính, giấy tờ, chi phí in ấn. Đến nay, toàn bộ TTHC đều được tiếp nhận tại 1 bộ phận một cửa và có giấy biên nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả và tổ chức, cá nhân được trợ giúp hướng dẫn hoàn thiện ngay tại bộ phận một cửa khi có yêu cầu.

Về triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã khẩn trương ban hành Kế hoạch, phê duyệt kiến trúc Chính phủ điện tử của NHNN và tổ chức triển khai tích cực. Kết quả sau 1 năm triển khai, NHNN đã hoàn thành giải pháp thanh toán phí trực tuyến đối với TTHC; nâng cấp, đưa vào sử dụng 17 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; hạ tầng và nền tảng công nghệ đều sẵn sàng để vận hành các hạng mục nghiệp vụ thuộc cấu trúc Chính phủ điện tử.

Kết quả cải cách thủ tục hành chính của TCTD theo Kế hoạch hành động 1355 của NHNN đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đã công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về các hồ sơ tín dụng, dịch vụ; lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng (thời gian, mức độ hài lòng) đối với các dịch vụ… Các TCTD đẩy mạnh công tác CCHC, cải tiến các quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng như: Rà soát, cắt giảm giấy tờ, thủ tục cho vay nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn; Thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cung cấp sản phẩm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi; trong đó giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến, tiết kiệm chi phí giấy tờ, tiền bạc khoảng 45.000-50.000 đồng.

Gia tăng hơn nữa cơ hội cho người dân và DN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định những kết quả NHNN đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, đồng thời nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng NHNN thời gian tới, đó là: Tiếp tục triển khai công tác CCHC một cách quyết liệt, mạnh mẽ trên tất cả các mặt và trong toàn Ngành. “Không vì thành tích Par Index cao mà chùn lại”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh và cho biết, quan điểm này đã được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhiều lần nhấn mạnh và mới đây nhất là cuộc họp giao ban thường kỳ. CCHC càng thêm động lực khi đây là một bộ phận cấu thành trong tái cơ cấu lại các TCTD, đổi mới NHNN.

“CCHC tiếp tục được triển khai không chỉ riêng NHNN mà của toàn Ngành, các TCTD phải vào cuộc quyết liệt” nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thẳng thắn cho biết, vẫn có hiện tượng một số TCTD trong đó có cả một số đơn vị NHNN chưa quan tâm nhiều đến CCHC. Trong khi đó, các TCTD càng cải cách tích cực bao nhiêu càng được xã hội ghi nhận và biểu dương bấy nhiêu, góp phần nâng cao niềm tin và vị thế của Ngành.

Và để cải cách đạt được kết quả tốt nhất, cần coi việc cải cách công chức công vụ tại các đơn vị thuộc NHNN cùng với việc cải cách nâng cao văn hoá doanh nghiệp, văn hóa của cán bộ, nhân viên của các NHTM gắn với CCHC là một nhiệm vụ quan trọng. Quan điểm này được Phó Thống đốc lý giải thêm từ thực tế, dù có thể chế, công nghệ tốt, nhưng nếu con người không cải cách từ nhận thức, tác phong lề lối làm việc, văn hóa công sở, văn hoá DN nói chung thì cải cách không đạt mục tiêu, đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Quan điểm thứ 4 về CCHC là CCHC phải gắn với nâng cao công tác chỉ đạo điều hành, kỷ cương điều hành. “Và chỉ có làm tốt kỷ cương điều hành thì kỷ cương thị trường tiền tệ mới làm tốt được”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Từ 4 quan điểm này soi rọi vào chương trình mà ngành Ngân hàng đã và đang đặt ra đến hết năm 2017, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các thủ trưởng đơn vị NHNN, TCTD phải quán triệt sâu sắc, coi CCHC là nhiệm vụ quan trọng, người đứng đầu phải gương mẫu, có hình thức khen thưởng và phê bình rõ ràng, đặc biệt là gắn với công tác cải cách công chức công vụ. “Phải làm quyết liệt để chất lượng công chức công vụ cao đáp ứng được yêu cầu”.

Đi vào cụ thể, với khối các đơn vị của NHNN, Phó Thống đốc đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thể chế, cắt giảm thủ tục để cắt giảm chi phí theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là việc hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng công chức công vụ theo Nghị định 16. Việc tinh giản, tuyển dụng biên chế phải hợp lý; vận dụng một cách tích cực, khai thác dữ liệu tại trung tâm dữ liệu để cải cách, giảm thiểu báo cáo cho các TCTD.

Với chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh thành phố, Phó Thống đốc đề nghị cần thực hiện nghiêm túc Quyết định 1355 và kế hoạch CCHC 2016-2021, cũng như kế hoạch CCHC, thực hiện Nghị quyết 19 năm 2017, Chỉ thị 02 của Thống đốc về tăng cường công tác CCHC, quản lý công chức công vụ. Các chi nhánh NHNN tỉnh phải tham gia tích cực vào hệ thống thông tin báo cáo của NHNN giữa Trung ương với chi nhánh để cải cách bớt giấy tờ, triển khai CCHC, thực hiện giao dịch một cửa. Đồng thời các chi nhánh NHNN cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi đánh giá quá trình CCHC, hỗ trợ người dân và DN thông qua các chương trình tín dụng, kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, quá trình công khai minh bạch hoá quy trình thủ tục, phí, lãi suất của các TCTD trên địa bàn.

Với các TCTD, Phó Thống đốc đề nghị cần tập trung triển khai tích cực các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26/CT-TTg, bao gồm: Đẩy mạnh triển khai Quyết định số 813/QĐ-NHNN của NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, minh bạch và đơn giản thủ tục vay vốn, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trên cơ sở các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch triển khai số 637/QĐ-NHNN của NHNN; Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 259/QĐ-NHNN ngày 28/02/2017 của NHNN về việc ban hành chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; Thực hiện kế hoạch triển khai Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 của NHNN về ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ... Đồng thời đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật ngân hàng để gia tăng niềm tin với người dân.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh