Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU
Ngày nhập : 27/04/2022 16:41
EU là thị trường lớn với nhiều phân khúc, nhu cầu đa dạng, thuận lợi cho việc xuất khẩu các loài và các loại sản phẩm của Việt Nam.

Liên minh Châu Âu (EU) là một trong 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, nổi lên là Bỉ, Italia, Hà Lan, Pháp và Đức.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Theo đó, có khoảng 220 các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.
 

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%. Xuất khẩu sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng. Đây là một kết quả tích cực trong năm đầu tiên Việt Nam thực thi EVFTA, các doanh nghiệp đã tận dụng được tốt các điều kiện ưu đãi do hiệp định này mang lại. Những tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU đạt khoảng 28 triệu USD tăng gần 76%, tôm xuất khẩu sang EU đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu tôm trong quý đầu năm nay đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý I/2021.Trong đó, xuất khẩu sang ba thị trường đơn lẻ chính trong EU là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu thường tăng vào mùa hè và đầu mùa thu.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng nổi trội cho xuất khẩu thủy sản với hàng triệu ha mặt nước ngọt, nước lợ, nước lạnh. Nguồn thủy sản đa dạng là cơ sở để phát triển nuôi trồng ở hầu hết các tỉnh, các thành phố trong cả nước. Trong hơn 10 năm qua, sản lượng thủy sản của Việt Nam tăng đều theo các năm từ 4,9 triệu tấn năm 2009 lên 8,7 triệu tấn năm 2021, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm 55%. Đối tượng thuỷ sản nuôi quan trọng nhất ở Việt Nam là cá tra và tôm, thường có giá trị xuất khẩu lớn, chiếm từ 55 đến 60% tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

Bên cạnh đó, hiện ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản tại Việt Nam khá phát triển với hơn 800 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu.

Bà Hằng cũng nhận định, EU là thị trường lớn với nhiều phân khúc, nhu cầu đa dạng, thuận lợi cho việc xuất khẩu các loài và các loại sản phẩm của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, Iceland và Latvia chia sẻ, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang chi phối việc nhập khẩu cá tra vào thị trường châu Âu. Hiện tại, Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh đáng kể trên thị trường này. Hầu hết các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Bắc Âu đều có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang đây không lớn do hầu hết là các thị trường nhỏ. Bên cạnh đó, do xa xôi về địa lý nên đa phần các nước này đều nhập khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam thông qua các đầu mối trung gian từ các thị trường khác như là Hà Lan, Đức, Bỉ. Hiện tôm là mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất sang Bắc Âu và Việt Nam đang là nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu tôm sú xếp thứ hai sang châu Âu.

Tại các nước EU, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn đang tăng nhanh. Thường thì các sản phẩm này được nhập khẩu thô sau đó được gia tăng giá trị ở một công ty chế biến thực phẩm tại địa phương. Đây sẽ là các cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi có thể cung cấp các sản phẩm chế biến sẵn có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết thêm.

Tháng 3/2021 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch hành động để phát triển sản xuất hữu cơ nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đưa thực phẩm hữu cơ đến gần hơn với người dân.

Đại dịch Covid-19 khiến cho người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và ngày càng quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm. Do đó, các cơ chế đảm bảo các quy trình sản xuất và xuất xứ của thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đang trở nên ngày càng phổ biến trong ngành thủy sản và người mua cũng ngày càng yêu cầu cao hơn.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh