Đồng hành vì một Việt Nam thịnh vượng
Ngày nhập : 11/01/2022 15:19
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để đẩy nhanh hành động nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng - điều quan trọng đối với một Việt Nam xanh, hòa nhập và thịnh vượng”, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ với Thời báo Ngân hàng.

Nhìn nhận của bà về triển vọng kinh tế năm 2022 ?

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, nhưng sự phục hồi rõ nét đã thấy rõ từ quý IV khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin tăng nhanh cùng với những điều chỉnh thích ứng của Chính phủ. Tôi cho rằng, những thành tích xuất sắc của Việt Nam trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin đã bảo vệ cuộc sống của hàng triệu công dân và sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn vào năm 2022. Việc triển khai tiêm vắc-xin tăng cường vào đầu năm nay sẽ giúp kiểm soát hơn nữa sự lây lan của các biến thể mới, giảm áp lực phải đóng cửa và các biện pháp kiểm soát khác.

Cùng với đó, Việt Nam đã liên tục chứng tỏ khả năng ứng phó và chống chịu với các diễn biến của đại dịch và những phẩm chất này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm nay. Bên ngoài, dù biến thể Omicron lây lan nhanh nhưng các dự báo đều kỳ vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi, như vậy cũng sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu và sự phục hồi của Việt Nam.


Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu này ?

UNDP gửi lời chúc mừng tới Chính phủ Việt Nam về cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050 tại COP26. Việt Nam đã tham gia các sáng kiến quan trọng khác về ngăn chặn nạn phá rừng và giảm phát thải khí mê-tan vào năm 2030. Các cam kết COP26 của Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với hợp tác đa phương và phát triển bền vững.

Khi Việt Nam nỗ lực biến các cam kết COP26 của mình thành hành động, điều tối quan trọng là cập nhật và điều chỉnh tất cả các chiến lược và kế hoạch phát triển quan trọng với mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, đặc biệt cần lưu ý tới Quy hoạch phát triển điện số 8, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCS), Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam (VGGS)… cũng như cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), và các chiến lược, kế hoạch có liên quan khác.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của khu vực tư nhân và khuyến nghị để thu hút đầu tư của khu vực này vào tăng trưởng xanh, các lĩnh vực thân thiện với môi trường ?

Như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Cách mạng Công nghiệp 4.0 vừa qua, Việt Nam cần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kép là trở thành nước có thu nhập trung bình cao và bảo đảm tăng trưởng xanh, bao trùm, lấy người dân làm trung tâm. Đầu tư tư nhân sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được hai mục tiêu này. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự đóng góp của khu vực tư nhân vào tăng trưởng xanh bằng cách tạo ra các cấu trúc để một mặt không khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực khai thác gây ô nhiễm môi trường, mặt khác khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp mới, bền vững, đặc biệt là trong các hệ thống năng lượng tái tạo.

Tăng cường khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư tư nhân với nguồn tài chính dài hạn trong nước cũng rất quan trọng. UNDP thúc giục Chính phủ tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai thành công các ngân hàng phát triển nhà nước để thu hút và kéo dài thời gian đầu tư tài chính của khu vực tư nhân cũng như tăng cường cung cấp tài chính cho các lĩnh vực và ngành công nghiệp mới.

Vậy UNDP và đối tác sẽ có những hỗ trợ và hợp tác gì để giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra ?

Trong thư chung gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 2/12/2021, Ngân hàng Thế giới, UNDP và 18 Đại sứ các nước đã tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Việt Nam và những nỗ lực của đất nước trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu mới. Hay mới đây, cùng với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Ý, UNDP đồng chủ trì Nhóm công tác kỹ thuật về NDC và biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc Nhóm đối tác phát triển tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ Nhóm đại sứ phi chính thức về phát triển và hợp tác (IAGDC) để điều chỉnh hỗ trợ cho các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các tham vọng về khí hậu COP26.

UNDP sẵn sàng làm việc chung với nhóm các nhà tài trợ có cùng chí hướng về NDC để hỗ trợ Chính phủ huy động các nguồn lực quốc tế, bao gồm sự kết hợp giữa tăng cường đầu tư công và tư, huy động vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác để giảm chi phí cho Việt Nam. Đồng thời, cung cấp kiến thức chuyên môn, công nghệ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và cải thiện môi trường pháp lý.

UNDP đã hỗ trợ Chính phủ cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH để phù hợp với mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện tại, UNDP và GIZ đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra các biện pháp bổ sung nhằm giảm phát thải khí mê-tan bằng cách khai thác công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon (CCS) và các biện pháp khác trong Chiến lược BĐKH để lấp đầy những khoảng trống trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu. Chiến lược cũng sẽ liên kết các cam kết của Việt Nam về năng lượng sạch, giảm khí mê-tan, loại bỏ than, bảo vệ rừng và chuyển những cam kết này thành các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vì Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH trong khu vực, Chính phủ sẽ cần tăng cường đầu tư vào các biện pháp thích ứng với BĐKH. Dựa trên các chương trình hiện có với các dự án tài trợ của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), UNDP đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết trong từng lĩnh vực và khu vực, cũng như thu thập, cập nhật các thông tin khoa học đáng tin cậy về các tác động hiện tại và dự báo tương lai của BĐKH. UNDP cũng đang tăng cường quan hệ đối tác với Chính phủ để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương khỏi tác động của BĐKH thông qua các chương trình tổng hợp chống chịu với bão và lũ lụt ở các tỉnh ven biển, quản lý nước ở vùng cao nguyên miền Trung và quản lý môi trường ở khu vực sông Mekong, để đảm bảo không ai bị bỏ lại đi sau trong quá trình thích ứng với BĐKH.

Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để đẩy nhanh các hành động nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, điều quan trọng đối với một Việt Nam xanh, hòa nhập và thịnh vượng.

                                                                                              (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh