GDP năm 2021: Thúc đẩy các động năng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%
Ngày nhập : 04/11/2020 16:14
Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù năm 2020 gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 nhưng nước ta vẫn đạt được những thành tựu rất ấn tượng; 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP vẫn giữ được ở con số trên 2%, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm…
 

Tăng trưởng 2% đã là thành công

Các đại biểu cho rằng 2020 là một năm đầy khó khăn. Ngay từ đầu năm 2020, đất nước ta đã phải đối mặt với tình trạng hạn mặn nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ. Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 bùng phát quy mô toàn cầu đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Những ngày qua, đồng bào miền Trung lại đang gánh chịu những hậu quả rất nặng nề từ thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ, liên tục dài ngày…

“Hồi tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, Covid-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ, đến nay trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tử vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nhắc lại và khẳng định: “Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm Covid-19. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực”.

Trong khi theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), một trong những điểm sáng trong nhiệm kỳ vừa qua là Chính phủ đã tập trung cải cách thể chế, cắt giảm 50% đến 60% thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh thực hiện Chính phủ kiến tạo, xây dựng Chính phủ điện tử. Nhờ đó, Việt Nam đã lên “đường cao tốc” hội nhập với thế giới, thúc đẩy cải cách trong nước. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, tính ưu việt của thể chế chính trị và năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam lại được tỏa sáng.

“Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho cộng đồng DN nước ngoài trong xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn. Đại sứ Nhật Bản nói với tôi trong 30 DN Nhật Bản chuyển dịch cơ sở sản xuất thì có 15 DN lựa chọn Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết và cho rằng chúng ta đang đón làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn, đặc biệt vào công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi phải nhanh chóng có hành lang pháp lý đầy đủ từ luật đến các văn bản dưới luật. Nếu không tận dụng được cơ hội này, thì dù thu hút thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD thì Việt Nam vẫn không thoát khỏi là địa điểm gia công, không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững

Liên quan kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, cũng có đại biểu cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 đến 6,5% đang đặt ra ở mức khá cao so với năm 2020, trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa biết lúc nào mới kết thúc. Ngay cả mục tiêu tổng quát của kế hoạch này cũng nêu rõ là tập trung thực hiện kết quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tuy vậy, một số ý kiến đại biểu lại tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, do mức tăng trưởng của năm 2020 là thấp nên việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6 đến 6,5% năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được, bởi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi. Một số ý kiến thì cho rằng, để đạt mục tiêu kinh tế xã hội đề ra, Chính phủ cần tận dụng yếu tố thị trường giải quyết tốt về vấn đề nguồn nhân lực, phát huy vai trò kết nối giữa 3 trụ cột của nền kinh tế, tận dụng các nguồn lực của nền kinh tế thị trường trong xây dựng và phát triển nguồn lực, phát triển thị trường sức lao động. Bên cạnh đó là cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, rào cản cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong DN và người dân; Hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng với nguồn lực, nhất là về vốn đầu tư, đất đai và tài nguyên…

Góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ: Chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có người gọi đây là Đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định.

Theo đại biểu, chúng ta phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện.

Đơn cử như các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang thay đổi sức mua, cách thức tiêu thụ đòi hỏi chúng ta phải thích ứng ra sao. Hay hướng phát triển du lịch khi tương lai sẽ xuất hiện thêm những dịch bệnh khác. Chúng ta cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân....

“Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn”, đại biểu chia sẻ và cho rằng, trong giai đoạn tới đây Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh