Hàng Việt nhiều triển vọng xuất sang EU
Ngày nhập : 15/07/2022 08:49
Sau khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á. Ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy viên EU phụ trách nông nghiệp cho biết, thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản, thực phẩm.

Nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản

Năm 2021, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỷ USD và nhập khẩu đạt 16,89 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 14,1% và 15,3% so với năm 2020. Trong năm 2021, hơn 200.000 giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với tổng trị giá hơn 7,8 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU đạt 31,7 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 23,6 tỷ USD, nhập khẩu 8,1 tỷ USD; xuất siêu của Việt Nam sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
 

 
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng được cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi ký kết EVFTA. Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Kim ngạch thương mại nông - lâm - thủy sản hai chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, rồi 5,2 tỷ USD năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 3 tỷ USD. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu là vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Việt Nam và EU còn nhiều dư địa để phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021. Bên cạnh các mặt hàng thế mạnh truyền thống nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hơn nữa các lợi thế từ nông sản nhiệt đới và các lợi ích từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và Châu Âu nói chung.

Kỳ vọng hút dự án nông nghiệp từ EU

Có một thực tế là cho đến nay, vốn FDI từ EU vào lĩnh vực nông nghiệp Việt vẫn khá khiêm tốn, với chỉ 44 dự án và tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD, chiếm 9,6% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam và dưới 1% so với tổng FDI của EU vào Việt Nam.

Ông Phùng Đức Tiến chia sẻ: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với EU trong nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực, phát triển bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội trong khu vực và toàn cầu. Chúng tôi coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn, truyền thống và tiềm năng cho nông sản Việt Nam, nhất là khi EVFTA có hiệu lực, tạo cơ hội lớn thúc đẩy thương mại nông - lâm - thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại mới mà không đủ cơ sở khoa học, nhằm thúc đẩy thương mại nông - lâm - thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai bên".

Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông - lâm - thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp hai bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những giá trị mới, khai thác tốt nhất thị trường khu vực và toàn cầu.

Ông Phạm Tấn Công cũng cho rằng, EU nổi tiếng là khu vực có nền nông nghiệp phát triển hiện đại và bền vững, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nên các doanh nghiệp và VCCI mong muốn nhà đầu tư EU tiếp tục xem xét các dự án về nông nghiệp tại Việt Nam. Hiện EU đang quan tâm đến khu vực kinh tế phát triển năng động phía Bắc gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Cuối tháng 7 này, chúng ta sẽ chính thức hình thành Trục kết nối kinh tế cao tốc phía Đông (Eastern Highway Economic Corridor). Đây là 4 địa phương rất năng động, có môi trường đầu tư rất lý tưởng với hệ thống giao thông thuận tiện, các khu công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào hơn 7 triệu dân. Khu vực này hoàn toàn phù hợp để đầu tư các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chất lượng cao để chuyển về Châu Âu cũng như xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới.

Về phần mình, EU sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam, giúp xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật nông nghiệp tiệm cận với quốc tế. Đặc biệt, hỗ trợ Việt Nam trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nông nghiệp, thực hiện các cam kết về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường EU. Hiện Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như: gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều... Người dân Việt Nam cũng đang có nhu cầu lớn với các sản phẩm chất lượng cao từ Châu Âu như thịt, hoa quả, đồ uống, sữa tươi…

EVFTA đã trao cơ hội cho cả hai bên để đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng mà doanh nghiệp cần cùng nhau nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên, ông Công cho biết thêm.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh