Hệ thống tài chính của Việt Nam lập lại sự ổn định hiếm có
Ngày nhập : 29/12/2020 10:36
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng ngày 28/12/2020.
 

Xếp vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chia sẻ, năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi Covid-19 và bối cảnh suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, song nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế của Việt Nam hiện nay đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á.

Theo bảng xếp hạng của Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh), Việt Nam nằm trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Cũng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019.

Đánh giá về những thành công trong 5 năm qua, Thủ tướng cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD/năm.

Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.

Hệ thống tài chính của Việt Nam tạo lập lại được sự ổn định hiếm có

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, hệ thống tài chính của Việt Nam đã tạo lập lại được sự ổn định hiếm có như những năm qua. Theo đó, thị trường chứng khoán tăng trưởng đạt điểm kỷ lục lịch sử với 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 100% GDP, trong đó cổ phiếu đạt gần 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng trên 120 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm.

Giá trị tài sản của các ngân hàng tiếp tục tăng lên; năng lực tài chính, độ vững mạnh và an toàn hệ thống tiếp tục được củng cố, tỷ lệ nợ xấu thấp. Việc điều hành chính sách tiền tệ đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, đặc biệt là các công cụ chính sách được sử dụng linh hoạt, thận trọng, bám sát các tín hiệu của thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Chính sách tỷ giá phản ánh các quan hệ cung của thị trường hối đoái, sức mua của tiền đồng so với các đồng tiền quốc tế được duy trì, giúp đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô.

Cán cân thanh toán quốc tế, nhất là cán cân vãng lai, đặc biệt là cán cân thương mại hàng hóa liên tục thặng dư trong suốt 5 năm qua nhờ những lợi thế cạnh tranh có tính cơ cấu, và nhờ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều hành tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục tiêu duy trì lợi thế xuất khẩu mà phản ánh khách quan các quan hệ của thị trường.

Cùng với cân đối bên ngoài tốt, cân đối bên trong cũng được cải thiện tích cực. Tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công đều được kéo giảm xuống mức an toàn hơn, nhờ đó không gian tài khóa và dư địa chính sách của chúng ta được nâng lên đáng kể. Chính dư địa này đã trở thành bệ đỡ, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh do Covid-19 vừa qua.

Ở góc độ người dân và doanh nghiệp, cũng như toàn xã hội nhờ có sự tích lũy sau những năm tăng trưởng tốt và việc làm ổn định mà hoạt động được duy trì, phúc lợi được giữ vững. Hệ số tín nhiệm của Việt Nam được nâng lên ở mức triển vọng ổn định, trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới bị hạ bậc hoặc hạ triển vọng do dịch bệnh Covid-19 và những vấn đề về cơ cấu.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh