Không có khó khăn nào không thể vượt qua
Ngày nhập : 05/01/2021 16:57
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra khiến kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu đề ra của năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư hôm 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2020, dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng đất nước ta đạt được những thành tích và dấu ấn đặc biệt. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không hề nhụt chí, lùi bước, mà càng đoàn kết hơn, quyết tâm hơn, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để có thành quả như ngày hôm nay.

“Thành quả đó tô điểm thêm cho tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam. Thành quả này chứng minh không có khó khăn nào dân tộc ta không thể vượt qua, không thử thách nào nhân dân ta không dám đương đầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Quả vậy năm 2020 là một năm đầy bão tố với nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhưng với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép nền kinh tế đã sớm có được trạng thái bình thường mới, nền kinh tế đã sớm phục hồi và phục hồi nhanh, các cân đối lớn được bảo đảm, vĩ mô ổn định, lạm phát kiềm chế trong mục tiêu, ngân sách không hụt thu…

“Trong khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, là một nền kinh tế có độ mở cao nên dễ chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ cú sốc bên ngoài, nhưng Việt Nam đã “vượt bão” thành công. Đạt được mức tăng trưởng 2,91% có thể được coi là phi thường”, PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng phát biểu.

Không chỉ tăng trưởng về tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế có bước chuyển biến tích cực: Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019). Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (3,23%) bất chấp những biến động của thị trường toàn cầu.

Nhìn lại cả giai đoạn 2016-2020 Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, và đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8%/năm. Với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, Ngân hàng Thế giới đánh giá. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 cũng nêu rõ, một trong những điểm nổi bật của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay là đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời tăng trưởng kinh tế đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, và vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế, khi cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng…

Bước vào năm 2021 dù biết trước sẽ còn rất rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát nhưng với nền tảng tăng trưởng dương và vĩ mô ổn định cộng hưởng với tinh thần không có khó khăn nào dân tộc ta không thể vượt qua, không thử thách nào nhân dân ta không dám đương đầu, và vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Với kỳ vọng đó và quyết tâm đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng vượt chỉ tiêu đạt mức 6,5%.

PGS.TS.Trần Đình Thiên tin tưởng, dư địa cho tăng trưởng năm 2021 còn nhiều, nếu có các giải pháp trúng và đúng, kinh tế Việt Nam có thể còn đạt mức tăng trưởng khả quan hơn. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của năm 2021 là đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế hơn nữa với trọng tâm chính sách hướng đến mục tiêu khuyến khích phát triển DN mới, ngành nghề kinh doanh mới, có chính sách tạo điều kiện cho những tập đoàn lớn, DN lớn phát triển để tạo lực kéo lực lượng DN cùng phát triển…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh