Kinh tế Việt Nam 2023: Triển vọng và thách thức
Ngày nhập : 03/01/2023 17:26
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất định, với đà phục hồi tích cực của năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2023.
Năm 2022 đã khép lại với sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Xin được chúc mừng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì đã đạt được mục tiêu kép trong năm vừa qua - vừa kiểm soát tốt đại dịch, vừa đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn kỳ vọng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, nhiều rủi ro, thách thức từ căng thẳng địa chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới.
Có thể nói 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn đối với kinh tế toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đưa ra tín hiệu rõ ràng là lạm phát đã chững lại và kinh tế Mỹ vẫn có điểm sáng với chỉ số tích cực về số việc làm mới. Có khả năng kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, nhưng tránh được một cuộc suy thoái. Trong khi đó, các nền kinh tế khu vực EU vẫn chưa ra khỏi vòng xoáy của lạm phát và khủng hoảng năng lượng. Cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài có nguy cơ đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái.
Sau thời gian dài theo đuổi chính sách "zero-COVID", Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã và đang mở cửa trở lại. Đây có thể coi là một điểm sáng trong kinh tế toàn cầu vì chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dần hồi phục. Là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa quan trọng đối với dòng thương mại, đầu tư và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn 2019-2022.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất định đó, với đà phục hồi tích cực của năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2023. Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực. Các cân đối vĩ mô ổn định được kỳ vọng vẫn được duy trì. Lạm phát dự báo được kiềm chế trong khoảng từ 4%-4,5%. Việt Nam vẫn kiểm soát tốt nợ công và nợ nước ngoài ở dưới mức luật định…
Một số dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát đã dần hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu, dù một cuộc suy thoái giống như cuộc suy thoái giai đoạn 2008-2010 cũng khó có thể xảy ra. Ở châu Á, mức độ lạm phát không cao do chuỗi cung ứng ít bị đứt gãy. Song rủi ro lạm phát nhập khẩu tăng mạnh và khi Fed nâng lãi suất, ngân hàng trung ương các nước trong khu vực EU và châu Á cũng phải nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Động thái thắt chặt tiền tệ này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Vì vậy, ADB đã khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần tiếp tục cảnh giác với lạm phát và những bất ổn của kinh tế toàn cầu để đưa ra các chính sách và biện pháp điều hành phù hợp, nhằm kiểm soát hiệu quả lạm phát, nhưng không làm mất đà tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, việc vừa phải thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, vừa phải đảm bảo thanh khoản phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ rất khó khăn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế, những nỗ lực của NHNN trong việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Chính sách tiền tệ linh hoạt kết hợp với chính sách tài khóa thận trọng cùng với việc triển khai các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã góp phần kiểm soát lạm phát có hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.
Với bối cảnh trên, các phản ứng chính sách tới đây cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính. Trong năm 2023, tôi cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Mặc dù dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, nhưng đang hẹp dần lại vì lạm phát vẫn đang trên đà đi lên. Do đó, duy trì sự ổn định giá cả cần là trọng tâm chính của chính sách tiền tệ. Nên tiếp tục cảnh giác với lạm phát vào năm 2023 và các đợt tăng lãi suất chính sách tiếp theo có thể vẫn cần được thực hiện nếu lạm phát tăng lên nhanh.
Trong khi đó, chính sách tài khóa cần ở vị trí tiên phong, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chính sách tiền tệ và thể hiện hơn nữa vai trò chủ đạo trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế. Để nền kinh tế phục hồi ổn định, Việt Nam cần kịp thời tháo gỡ những nút thắt nội tại, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông dòng vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bên cạnh việc NHNN cân nhắc nới room tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, các cơ quan hữu quan cần sớm củng cố và khơi thông dòng vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm lệ thuộc vào dòng tín dụng ngân hàng. Để cải thiện tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro, điều quan trọng là cần tiếp tục thực hiện các cải cách như thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm, phát triển các quỹ trái phiếu doanh nghiệp và quỹ hưu trí, đồng thời thắt chặt các yêu cầu để trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cuối cùng, cần tăng cường hơn nữa các chính sách và biện pháp an sinh xã hội, gia tăng sức chống chịu cho lực lượng lao động, đặc biệt là các đối tượng bị mất việc làm do các doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, và những người lao động ở khu vực không chính thức. Mặc dù kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, nhưng với nền tảng vĩ mô vững chắc, sự ổn định chính trị, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành kinh tế và một cộng đồng doanh nghiệp rất năng động, chúng tôi tin tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội Việt Nam đặt ra trong năm 2023.
(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)