Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, tạo động lực cho những năm tiếp theo
Ngày nhập : 24/10/2022 16:05
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trong tháng 10/2022 đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong giai đoạn vừa qua.
 

Giải pháp nào giữ vững ổn định kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận trong quý III/2022, đạt mức tăng trưởng cao 13,7% so cùng kỳ năm 2021. Cũng nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp, nên cộng dồn 3 quý đầu năm 2022, chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế đạt 8,9% so cùng kỳ năm trước.

Với kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022 hết sức ngoạn mục. Đây không phải ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên gần như là "nghệ thuật" điều hành kinh tế.

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc trong tuần này và đây cũng là chủ đề nổi bật trên các số báo ra trong tuần. Đáng chú ý là kỳ họp lần này sẽ diễn ra trong 21 ngày làm việc. Thời gian rút ngắn so với thông thường nhưng vừa phải xử lý khối lượng công việc lớn, vừa đảm bảo chất lượng.

Kỳ họp cuối năm nay diễn ra sau khi Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII thành công tốt đẹp. Như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cũng là mong đợi của cử tri, kỳ họp phải tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị Trung ương 6, đưa ra những quyết sách đúng đắn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Như thông lệ của kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Trình bày báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dù trong bối cảnh nhiều thách thức nhưng tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 8%, trong khi mục tiêu là 6-6,5%.

Tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực... Điều này làm tiền đề cho Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau là 6,5% (Theo báo Tuổi trẻ).

Mốc tăng trưởng ấn tượng, điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Bình luận của nhiều đại biểu Quốc hội mốc tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8% là một mốc tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. Để có kết quả này, Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt trong việc ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh họa hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19. Đó chính là quyết sách đem lại thành công ngày hôm nay - ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM bình luận.

Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chia sẻ, kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022 là kết quả hết sức ngoạn mục. Đây không phải ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên, gần như là "nghệ thuật" điều hành kinh tế (Tờ Lao động thông tin).

Cũng phải nhắc lại, thành quả mà nền kinh tế đạt được trong 9 tháng qua là rất lớn. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Thông tin từ báo chí cho biết, mới đây, Việt Nam là một trong số 4 nước trên thế giới được Moody’s nâng chỉ số tín nhiệm. Đây là động thái hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của Đảng, Nhà nước để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.

Những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật nêu trên tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước. Đây cũng là những chỉ dấu cho thấy, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tốc độ triển khai các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sẽ khó cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn mà báo Tiền phong đã khái quát qua hàng tít "Tăng trưởng chịu nhiều sức ép". Đó là việc ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng gia tăng. Tiền lương, thu nhập của người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Với dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ… Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm sau, Chính phủ đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là Chính phủ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (Báo Thanh niên thông tin).

Trước dự báo, thời gian còn lại của năm nay và năm 2023 vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tạp chí Kinh tế vneconomy.vn dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định những quyết sách lớn để kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, tạo nền tảng mang tính căn cơ, dài hạn cho phát triển nhanh, bền vững…

                                                                                            (Nguồn: Kinh tế và Môi trường)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh