Lần đầu công bố báo cáo thường niên về FDI
Ngày nhập : 11/05/2022 11:37
Ngày 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE) đã chính thức công bố Báo cáo thường niên về FDI năm 2021. Đây là lần đầu tiên báo cáo này được công bố tại Việt Nam và sẽ tiếp tục được thực hiện thường niên trong thời gian tới.   
 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VAFIE, Báo cáo thường niên về FDI được xây dựng theo cách tiếp cận Báo cáo thường niên của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban thư ký ASEAN và UNCTAD để đánh giá toàn diện kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI.

“Cùng với đó, phân tích môi trường đầu tư, gắn với cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI. Từ đó, kiến nghị với nhà nước định hướng, chính sách, luật pháp theo hướng đổi mới và sáng tạo để gia tăng số lượng dự án và vốn FDI, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Trong năm 2021, vốn đăng ký FDI đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%, vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020. Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Đáng chú ý, đầu tư mới vẫn là loại hình đầu tư chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong 3 năm 2019-2021 (2019: 44%, 2020: 51,34% và 2021: 48,9%). Vốn đăng ký dự án cấp mới có xu hướng tăng từ 4,3 triệu USD/dự án năm 2019 lên 8,8 triệu USD/dự án năm 2021.

Số lượt điều chỉnh tăng vốn giảm từ 1.381 năm 2019 xuống 1.140 năm 2020 và 985 năm 2021 nhưng vốn điều chỉnh có xu hướng tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng vốn đăng ký của cả 3 năm.

Bên cạnh yếu tố tích cực, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong tạo hiệu ứng lan tỏa; số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%; FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư;

Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít; hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi đầu tư được hưởng, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường...

Vì vậy, để tiếp tục thu hút FDI, Chủ tịch VAFIE kiến nghị, Việt Nam cần tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI; trong đó có chủ trương về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI thông qua cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát hệ thống chính sách về đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn.

Thứ ba, nâng cao quản lý nhà nước về FDI từ xúc tiến, thẩm định, triển khai tới kiểm tra, giám sát.

                                                                                              (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh