Quyết tâm cao để đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội
Ngày nhập : 08/05/2023 16:24
Thảo luận tại phiên họp vừa qua, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng.
 

Nhiều tín hiệu tích cực trong tháng 4 cho thấy các nỗ lực không ngừng nghỉ với các chính sách, giải pháp đồng bộ, xuyên suốt đã bắt đầu mang lại hiệu quả, giảm bớt quan ngại sau quý I kém khả quan.

Những nỗ lực bước đầu được “đền đáp”

Trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gần 600 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại; ban hành 16 nghị định, 75 nghị quyết, 12 quyết định quy phạm pháp luật, 480 quyết định cá biệt, 25 công điện, 11 chỉ thị tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc về quy định thuộc thẩm quyền; chỉ đạo quyết liệt, sát sao từng bộ, cơ quan, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định, hướng dẫn... nhằm tháo gỡ kịp thời các vấn đề mới phát sinh, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Trong đó nổi bật trong tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất trong năm 2023; Nghị quyết số 58/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững... Chính phủ cũng tổ chức 5 tổ công tác làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Về phía ngành Ngân hàng, sau hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành, trong tháng 4 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD mua lại trái phiếu doanh nghiệp...

Những nỗ lực điều hành không ngừng nghỉ đó đã bước đầu phát huy hiệu quả. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2023 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực, với nhiều chỉ tiêu trong tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ như: CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 984 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ; cán cân thương mại duy trì xuất siêu, tháng 4 ước đạt 1,51 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của tháng 3 (1,39 tỷ USD); chỉ số IIP tháng 4 ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ; đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4 chuyển biến tích cực hơn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16 nghìn doanh nghiệp, nhiều hơn tháng trước 12,3% về số doanh nghiệp và 6,2% về vốn… Những kết quả đạt được trong tháng 4 đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023.

Không có chỗ cho “lơ là, chủ quan”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn, đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy tác động tích cực, một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý II và cả năm 2023.

Thảo luận tại phiên họp vừa qua, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng. Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát và có xu hướng giảm dần qua các tháng; Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 2 lần liên tiếp và mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng giảm; Tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi một số động lực tăng trưởng suy giảm; Các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, thị trường nội địa chưa được khai thác hiệu quả; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Điều đó cho thấy, vẫn còn rất nhiều thách thức trong 2/3 chặng đường còn lại của năm nay. Thực tế, nếu nhìn lại cả giai đoạn 4 tháng qua, nhiều chỉ số kinh tế vẫn suy giảm. Đơn cử 4 tháng qua, chỉ số IIP vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Một số ngành công nghiệp chủ lực (như dệt may, điện tử, đồ gỗ, xe có động cơ) và của một số địa bàn công nghiệp trọng điểm (như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) vẫn giảm hoặc tăng thấp. Trong khi đó, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi, với vốn FDI 4 tháng giảm 17,9% so với cùng kỳ và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao; tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức khiêm tốn, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế…

Vì vậy, điều hành kinh tế vĩ mô sẽ còn tiếp tục chịu nhiều áp lực, nhất là với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trong các tháng tới có thể bị tác động mạnh do sản xuất kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn và các chính sách hỗ trợ về thuế có hiệu lực; chính sách tiền tệ có thể còn chịu rất nhiều tác động tới đây của những bất định từ thế giới như triển vọng tăng trưởng, lạm phát, xu hướng chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và toàn cầu.

Đáng chú ý, một trong những thách thức khó đoán định nhất hiện nay nằm ở lĩnh vực thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm (Mỹ giảm 22,1%; EU giảm 14,1%; Hàn Quốc giảm 6,9%; Trung Quốc giảm 7,9%); trong khi nhập khẩu tư liệu sản xuất bốn tháng qua cũng giảm 15,7% so với cùng kỳ…

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc, nắm kỹ tình hình; đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách hiệu quả, kịp thời, sát với thực tiễn.

Nêu lên các nhóm nhiệm vụ lớn cần phải triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

                                                                                              (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh