Tận dụng FTA để xuất khẩu bền vững
Ngày nhập : 17/08/2022 13:33
Tại Tọa đàm “Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA” do Báo Công thương tổ chức ngày 16/8, nhiều chuyên gia cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đặt ra nhiều thách thức cho các DN trong việc thực thi, song cũng là cơ hội để các DN đột phá nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa để tăng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu.
 

Tăng trưởng mạnh, nhưng chưa bền vững

10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD trong năm 2011 lên 545,3 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%. Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực với 86% kim ngạch xuất khẩu là công nghiệp chế biến chế tạo...

Nêu lên những con số ấn tượng, song ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công thương cũng chỉ ra tồn tại lớn nhất trong xuất khẩu đó là “chưa bền vững”. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 24 trên thế giới, nhưng giá trị gia tăng lại thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Lý do là nông-lâm-thủy sản chủ yếu xuất thô và sơ chế. Trong khi dù 86% hàng xuất khẩu là chế biến chế tạo, nhưng chủ yếu là gia công lắp ráp, vì vậy phần được hưởng chỉ là chi phí công lao động, thuê đất, thuế. Đáng nói hơn cả là xuất khẩu và xuất siêu đang phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI, trong khi DN trong nước vẫn nhập siêu lớn. “Quan điểm của chúng ta coi DN FDI là một bộ phận kinh tế Việt Nam nhưng họ cũng có mục tiêu riêng, lợi ích riêng và lợi nhuận đa phần chuyển về quốc nội”, ông Phương chỉ ra.

Nhìn nhận xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong những năm tới giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ việc phát triển thương mại với 230 quốc gia và thực thi 15 Hiệp định FTA. Tuy nhiên, ông Phương cũng chỉ ra những thách thức trong ngắn hạn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới từ xung đột Nga - Ukraine và chính sách kiểm soát Covid ở Trung Quốc dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên liệu và lương thực khiến giá cả tăng vọt, chi phí logistics cũng tăng tới 10 lần đang tạo áp lực lên đầu vào sản xuất. Bên cạnh đó, nguy cơ tổng cầu giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế thế giới có thể xảy ra...

Tận dụng tốt các cơ hội từ FTA

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đó các DN cần tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu. Trên thực tế, việc triển khai các FTA đã hỗ trợ mở rộng xuất khẩu của Việt Nam trên 6 thị trường chủ lực (chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu) là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, việc tham gia các FTA cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các DN trong nước như các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường... Bên cạnh đó là hàng rào thuế quan giảm nhưng hàng rào kỹ thuật tăng. “Tất cả những quy định đó đòi hỏi DN phải đầu tư và chi phí tăng, nhưng đó cũng là cơ hội cho các DN nội địa vươn lên, trưởng thành nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Có thách thức thì có cơ hội. Chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội”, ông Phương nói.

Để tận dụng tốt các cơ hội và hóa giải khó khăn, thách thức, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương khuyến nghị, các DN cần chủ động tiếp cận thông tin, chính sách, nghiên cứu đón đầu thị trường đặc biệt các thị trường có FTA; đầu tư phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh; có kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu; tăng cường hợp tác, liên kết để hỗ trợ lẫn nhau...

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cũng kiến nghị, sớm xây dựng chiến lược phát triển cho ngành dệt may và ngành da giày làm cơ sở để các DN xây dựng kế hoạch phát triển duy trì tính bền vững của xuất khẩu. Bà cũng khuyến nghị các DN không nên chỉ phát triển thị trường mà còn phải đa dạng hóa hàng hóa tiến tới việc làm sản phẩm chất lượng cao thì giá trị gia tăng cao lên. Đồng thời, cần phải phát triển thị trường nguyên phụ liệu hướng tới xanh, sạch bắt kịp xu hướng thế giới.

Ông Phương hiến kế, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để xuất khẩu tăng từ số lượng sang chất lượng, mà cụ thể là giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong đó, phải có các chính sách và đảm bảo thực thi để chuyển từ gia công sang xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa cao, trong đó trước mắt là phát triển công nghệ phụ trợ.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh