Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi
Ngày nhập : 07/01/2022 15:24
Nhìn nhận lại kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2021, có thể mô tả khái quát bằng tám cụm từ: chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời, hiệu quả, nhạy bén, nhịp nhàng và đồng thuận. Đây cũng chính là những điều hành cần tiếp tục được phát huy tốt hơn trong năm nay - một năm dự báo các thách thức, rủi ro chưa vơi đi vì đại dịch.

Thích ứng an toàn hiệu quả để phục hồi và phát triển

Ngày 5/1/2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Năm 2021 là năm đầy khó khăn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn tăng trưởng 2,58%, dù là mức thấp nhất trong nhiều năm qua, song vẫn là một kết quả tích cực khi so sánh với nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đất nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch thứ tư.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối vĩ mô lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát tốt (chỉ tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm); Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp, tín dụng ước tăng khoảng 13,5%, cao hơn so với năm trước; tỷ giá tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố.

 
Đầu tư nước ngoài hồi phục với tổng vốn đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước; giải ngân vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng lập kỷ lục mới, vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%, đưa Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, duy trì xuất siêu.

Trong khi đó, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng đạt nhiều tiến bộ vượt bậc; phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực… được tăng cường.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị nói chung đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”.

Đồng lòng vì lợi ích chung

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (6%); Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, kinh tế - xã hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn; Hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu… Bên cạnh đó, các rủi ro, thách thức từ bên ngoài cũng rất lớn trong năm nay và có thể tác động tiêu cực lớn tới Việt Nam.

Do đó, cần tập trung phân tích sâu sắc, kỹ lưỡng, toàn diện, tạo sự thống nhất cao để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển; ưu tiên nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đã xác định 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể) để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Trong đó, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm nay trên cơ sở bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước và trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Bên cạnh đó, triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 35% GDP...

Nghị quyết cũng nhấn mạnh tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7-8%...

Ba trọng tâm kinh tế được xác định trong năm nay gồm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược…

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, các bộ, ngành phải hết sức chủ động để giải quyết. Thủ tướng đề nghị HĐND các cấp, các đoàn đại biểu Quốc hội cùng các cấp chính quyền cùng nhau tháo gỡ, có tiếng nói cùng Chính phủ báo cáo, kiến nghị, thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền, đặt lợi ích chung lên trên hết để giải quyết các vấn đề này. Tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, chung sức chung lòng, cùng nhau phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2021.

“Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận hội nghị.

                                                                                             (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh