Tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Ngày nhập : 12/05/2022 15:10
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp thứ 11 cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn rất nhiều khó khăn. Từ đó đề nghị Chính phủ cần tập trung vào nhiều giải pháp quan trọng nhằm đạt mục tiêu đề ra.
 

Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, nước ta lần đầu đối mặt với các tác động nghiêm trọng cả về y tế, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm và nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực; đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo mục tiêu đã đề ra.

Về những tháng đầu năm 2022, để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chủ động phòng chống dịch Covid, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô, chính sách chưa có tiền lệ được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 30/1/2022, giao 75 chỉ tiêu và 174 nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các bộ, ngành trung ương và địa phương. Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Kết quả là nền kinh tế mở cửa trở lại, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kinh tế - xã hội quý I/2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh…

Đáng chú ý, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 4 lần đầu vượt mốc 15 nghìn DN, 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục hơn 80,5 nghìn DN, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021 phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh.

Tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Tuy nhiên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát gia tăng…

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, việc NHTW các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát có thể dẫn tới dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn; lãi suất đồng USD tăng có thể làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài.

Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bởi vậy trong những tháng còn lại của năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục triển khai, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương “cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa”; triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Ủy ban Kinh tế cũng khuyến nghị, cần theo dõi diễn biến, động thái của các NHTW lớn trên thế giới về chính sách lãi suất, đánh giá tác động đến nền kinh tế Việt Nam để có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp, giảm tối đa tác động tiêu cực của sự biến động thị trường tiền tệ thế giới.

Bên cạnh đó cần tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính; xử lý nghiêm các sai phạm. Các vấn đề sốt đất ảo, rủi ro từ thị trường bất động sản, nguy cơ nợ xấu mới phát sinh cũng cần được quan tâm. Xây dựng phương án hỗ trợ DN trong nước, DN FDI đầu tư sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng kiểm soát, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đúng hướng, đúng địa điểm, tránh gây áp lực nên lạm phát.

                                                                                 (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh