Việt Nam sẵn sàng cho điều kiện mới hút vốn FDI
Ngày nhập : 20/04/2023 16:19
Thuế tối thiểu toàn cầu đang được áp dụng đã đặt ra không ít thách thức với việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Chính phủ cần đưa ra những quyết sách mới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 

Chính sách ưu đãi cũ không còn hấp dẫn

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo dựng được môi trường đầu tư có những điểm riêng biệt hơn so với các quốc gia khác, nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã thông qua các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Như Quỳnh cho biết: Việt Nam đã điều chỉnh thuế suất thuế TNDN phổ thông từ mức 32%, xuống các mức 28%, 25%, 22% và hiện tại là 20%; đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi.

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi cả về thuế suất và thời gian thì mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Lũy kế trong giai đoạn 2017 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI nữa, mà còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ tối cao.

Bổ sung thêm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, nếu Việt Nam chậm áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu thì các doanh nghiệp FDI có doanh thu từ 750 triệu Euro sẽ phải nộp phần chênh lệch giữa số thuế TNDN thực nộp tại Việt Nam với số thuế TNDN phải nộp cho nước đặt trụ sở chính của công ty. Nhà nước mất đi một khoản thu ngân sách khá lớn, có thể tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Hiện có 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam…

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Việt Nam hiện nay là một quốc gia đang phát triển, có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù có tham gia hay không tham gia thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động đến Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính)  Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, Việt Nam nên giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20%. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì mức thuế suất thuế TNDN hiện tại của Việt Nam (20%) cao hơn Singapore (17%), tương đương với Thái Lan (20%) và thấp hơn một số nước trong khu vực châu Á và trên thế giới (Trung Quốc 25%; Hàn Quốc 27,5%; Nhật Bản 29,74%; Malaysia 24%; Philippines 25%; Myanma 22%…). Do đó, mức thuế suất pháp định phổ thông 20% tại Việt Nam không cần thiết phải xem xét điều chỉnh.
 
Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế TNDN cần xác định mục tiêu rõ ràng là không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách khác ngoài thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư. Đồng thời, cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư...

Theo GS.TS Nguyễn Mại, để đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Chính phủ cần đầu tư hiện đại hóa hạ tầng, hoàn thành xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia. Xây dựng quy hoạch các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng biển, cảng hàng không, các tuyến vận tải chính. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số. Tích cực đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ trong ngành công nghệ thông tin - truyền thông và năng lượng để tăng nội địa hóa, làm chủ công nghệ, thiết bị, giúp cắt giảm chi phí nhập khẩu, mua thiết bị từ bên ngoài…

Nếu chi trả khoản hỗ trợ bằng tiền, có thể Chính phủ sẽ lo ngại ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Do đó, thiết kế chính sách nên theo phương thức doanh nghiệp nộp thuế bổ sung trước, sau đó Chính phủ thực hiện chi trả khoản hỗ trợ bằng tiền mặt cho doanh nghiệp để không tạo ra gánh nặng lên ngân sách.

                                                                                                     (Nguồn: Kinh tế và Đô thị)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh