Lý do Việt Nam thăng hạng vượt bậc trên 'bản đồ' kinh tế thế giới
Ngày nhập : 24/04/2023 17:05
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển có tiềm lực mạnh. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo Insider Monkey, nền kinh tế toàn cầu đối mặt thách thức trong năm 2022 vì dịch COVID-19, chiến tranh ở Ukraine. Tình trạng khủng hoảng lương thực, năng lượng, lạm phát và nợ toàn cầu ảnh hưởng đến nhóm nước đang phát triển - những quốc gia dựa vào tín dụng toàn cầu giá rẻ để tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đạt bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế, trong đó có Việt Nam.


 
Xu hướng ở các nước đang phát triển

Nhóm nước đang phát triển nằm ở châu Á và châu Phi. Đây là khu vực trải qua quá trình đô thị hóa, tăng dân số đáng kể vài thập kỷ qua. Năm 2021, Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á. Bất chấp thách thức do COVID-19, kinh tế phục hồi cuối năm với tốc độ tăng GDP là 8,7% cho 2021 - 2022.

Sự gia tăng của các nền kinh tế mới gây bất ngờ cho giới kinh doanh. Các quốc gia từng bị xem là nghèo hoặc kém phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ những năm 1990 nhờ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Năm 2021, GDP của Việt Nam đạt 366,1 tỷ USD. Từ 2002 - 2021, GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỷ lệ nghèo, dựa trên ngưỡng 3,65 USD/ngày được điều chỉnh theo sức mua tương đương vào năm 2017, giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 3,8% năm 2020.

Sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam phần lớn đến từ lĩnh vực sản xuất, đặc biệt tập trung vào định hướng xuất khẩu sản phẩm, theo Insider Monkey.

Với tỷ lệ thay đổi % tăng trưởng năm 2023 là 5,8%, Việt Nam đứng thứ 15 trong nhóm quốc gia đang phát triển có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất. Nhóm 5 quốc gia phát triển mạnh nhất là Fiji, Maldives, Senegal, Libya và Guyana.

Tương lai của đồng USD

BRICS (viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) là thuật ngữ chỉ nhóm năm nền kinh tế lớn mới nổi. Những nền kinh tế được công nhận vì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và là nơi sinh sống của gần 40% dân số thế giới, 1/4 diện tích đất liền.

Các quốc gia BRICS, bao gồm cả Nga, gần đây cho thấy họ sẵn sàng tạo ra loại tiền tệ dự trữ toàn cầu mới. Sự phát triển này đặt ra thách thức tiềm ẩn đối với sự thống trị toàn cầu của đồng USD. Điều đó làm nổi bật mong muốn ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và tăng cường sử dụng đồng tiền của họ cho thương mại quốc tế.

Hơn nữa, BRICS và SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, lãnh đạo bởi Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) đang tiến gần hơn đến phi USD hóa, với sự tập trung ngày càng tăng vào việc sử dụng đồng nội tệ để thanh toán.

Vladimir Norov - cựu Tổng Thư ký của SCO - cho biết, năm 2022 các thành viên của tổ chức đang làm việc để chuyển đổi dần dần sang thanh toán bằng đồng nội tệ. Sự thay đổi này phản ánh xu hướng rộng lớn hơn là đồng USD dần không còn là đồng tiền thương mại thống trị toàn cầu.

Theo Times of India , động lực thay đổi của kinh tế toàn cầu thể hiện ở việc tỷ trọng GDP của các quốc gia G7, tính theo sức mua tương đương (PPP), giảm từ 50,42% GDP thế giới năm 1982 xuống còn 30,39% vào năm 2022. Trong khi đó, tỷ trọng GDP của các quốc gia BRICS đã tăng từ 10,66% năm 1982 lên 31,59% vào năm 2022.

Hơn nữa, sự không chắc chắn trong thương mại toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của các nước đang phát triển, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Việt Nam hưởng lợi khi nhận được thị phần lớn nhất trong chuỗi cung ứng của Mỹ ở mức 20%. Sự thay đổi đã tạo ra việc làm, tăng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của đất nước.

Amazon.com, Inc. gia nhập thị trường Việt Nam vài năm trước, hỗ trợ 140 doanh nghiệp thương mại điện tử trực tuyến tại địa phương. Ngoài ra, Amazon cũng đã ký thỏa thuận với chính phủ Việt Nam vào năm 2022 để đào tạo 10.000 nhà bán lẻ trực tuyến địa phương trong vòng 5 năm tới nhằm bán hàng cho khách hàng toàn cầu của công ty.

Theo Insider Monkey, danh sách nhóm nước đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất nói trên được tạo ra bằng cách áp dụng định nghĩa của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dựa trên dự đoán tỷ lệ phần trăm thay đổi hàng năm trong tăng trưởng GDP thực tế năm 2023. Các quốc gia có GDP dưới 1 tỷ USD bị loại trừ vì bị xem là không quan trọng về mặt kinh tế trên phạm vi toàn cầu ngay cả khi họ đang phát triển với tốc độ nhanh.

Danh sách đầy đủ 16 quốc gia (theo thứ tự từ thấp đến cao) gồm Uganda, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Philippines, Benin, Niger, Ethiopia, Rwanda, Bờ Biển Ngà, Congo, Fiji, Maldives, Senegal, Libya và Guyana.

                                                                                                             (Nguồn: Tiền Phong)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh